Giỗ tổ Hùng Vương - dấu ấn thiêng liêng trong lòng người Việt
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ tổ mùng Mười tháng Ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà nghìn năm”.
Mỗi năm, cứ đến ngày 10-3 âm lịch, lòng tôi lại xốn xang một niềm xúc động khó tả. Đó không chỉ là một ngày nghỉ lễ đơn thuần, mà còn là dịp để mỗi người Việt Nam như tôi hướng lòng mình về cội nguồn, về những vị vua Hùng đã có công dựng nước.

Ảnh: Internet
Tôi vẫn nhớ như in những ngày còn bé, vào mỗi dịp Giỗ tổ Hùng Vương, ông tôi lại kể cho anh em tôi nghe về sự tích các Vua Hùng. Ông nói rằng, từ thuở sơ khai, cha ông ta đã kiên cường khai phá, tạo dựng một quốc gia vững mạnh, để con cháu đời sau được sống trong thanh bình. Những câu chuyện về Lạc Long Quân và Âu Cơ, về bọc trăm trứng, về sự tích bánh chưng bánh giầy… đã in sâu vào tâm trí tôi, nuôi dưỡng trong tôi niềm tự hào dân tộc.
Lớn lên, tôi có dịp cùng gia đình đi thăm Đền Hùng - nơi linh thiêng bậc nhất của dân tộc Việt Nam. Cảm giác đứng trước đền thờ các Vua Hùng, hít hà không khí mát lành của rừng cọ, đồi chè Phú Thọ, nghe tiếng chuông chùa vọng lại giữa không gian trầm mặc, lòng tôi trào dâng một niềm xúc động khó tả. Tôi thấy mình thật nhỏ bé trước bề dày lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Tôi tự hào vì được là một phần của đất nước kiên cường này.
Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên được tham gia lễ rước kiệu trong ngày giỗ tổ. Khi ấy, dòng người đông nghịt, ai cũng thành kính, trang phục chỉnh tề. Tôi cầm lá cờ đỏ sao vàng, hòa vào dòng người đi từ chân núi Nghĩa Lĩnh lên đến đỉnh, nơi Đền Hùng uy nghiêm tọa lạc. Trên đường đi, tôi nghe được những câu ca dao quen thuộc: “Ai về Phú Thọ cùng ta/ Vui ngày Giỗ tổ tháng Ba mùng Mười/ Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ tổ mùng Mười tháng Ba”. Lời thơ ấy như một sự nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc rằng dù đi đâu, làm gì, mỗi người con đất Việt đều không thể quên cội nguồn của mình. Càng lớn, tôi càng thấm thía ý nghĩa của ngày lễ này. Đó không chỉ là ngày để tưởng nhớ, mà còn là dịp để thế hệ trẻ chúng tôi hiểu hơn về lịch sử, về trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống cha ông.
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương không chỉ là ngày để tưởng nhớ công lao dựng nước, mà còn là dịp để mọi người đoàn tụ, ôn lại những giá trị truyền thống. Nhà tôi tuy không thể ra tận Đền Hùng mỗi năm, nhưng vào ngày này, gia đình tôi vẫn thường quây quần bên nhau, dâng mâm cơm cúng đơn sơ nhưng đầy đủ với bánh chưng, bánh giầy - những món ăn tượng trưng cho đất trời, gợi nhớ về cội nguồn dân tộc. Mẹ tôi bao giờ cũng nhắc rằng: “Ăn miếng bánh này, các con phải nhớ đến tổ tiên, đến công lao của các Vua Hùng đã gây dựng nên nước mình”.
Không chỉ riêng gia đình tôi, mà khắp mọi miền đất nước đều hân hoan trong ngày lễ này. Khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, không khí trang nghiêm lan tỏa trong từng nếp nhà, từng con phố. Trong các lớp học, vào dịp này, những câu chuyện về thời đại Hùng Vương cũng được các thầy cô kể lại, giúp các em hiểu hơn về cội nguồn dân tộc, về những bậc tiền nhân đã dựng nước và giữ nước. Đặc biệt ở Phú Thọ, dòng người tấp nập hành hương về Đền Hùng, thành kính dâng nén hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Những lễ hội rước kiệu, hát xoan, đánh đu, kéo co cùng nhiều trò chơi dân gian rộn ràng… tất cả tạo nên một bức tranh sống động về truyền thống văn hóa dân tộc. Dù ở bất cứ đâu, mỗi người dân Việt Nam đều mang trong lòng niềm tự hào và sự gắn kết thiêng liêng.
Giỗ tổ Hùng Vương không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết. Dù là người dân trong nước hay Việt kiều xa xứ, tất cả đều hướng lòng về quê hương, cùng nhau thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên. Tôi có cô bạn đang sinh sống ở Australia. Mỗi năm đến ngày này, gia đình cô ấy vẫn cùng cộng đồng người Việt tại đó tổ chức buổi gặp mặt nhỏ, có bánh chưng, có hoa tươi, để tưởng nhớ cội nguồn. Bạn tôi nói rằng, chính những ngày lễ như thế này giúp cô ấy cảm thấy không lạc lõng nơi đất khách quê người.
Trong dòng chảy không ngừng của cuộc sống hiện đại, tôi nghĩ rằng, có những giá trị mà chúng ta không bao giờ được phép lãng quên, và ngày Giỗ tổ Hùng Vương chính là một trong những giá trị như thế. Nó không chỉ là lời nhắc nhở về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", mà còn là cơ hội để mỗi người Việt tìm về bản sắc dân tộc, hun đúc thêm niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước.