Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội: Sắp hết thời 'ngủ đông'?
Sau nhiều năm 'ngủ đông', Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (huyện Phú Xuyên) đã tái khởi động, hứa hẹn mở ra cơ hội việc làm cho người dân trong khu vực.
Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả, dự án này cần tiếp tục đẩy nhanh các hạng mục đầu tư và chuẩn bị lực lượng lao động phù hợp, không lỡ nhịp nhân lực khi khu công nghiệp đi vào hoạt động...
Mong ngóng khu công nghiệp hoạt động
Theo phản ánh của một số người dân xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên), Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội khởi công cách đây hơn 10 năm, được nghiệm thu hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên, sau đó khu công nghiệp “nằm im”, không hoạt động bởi không có doanh nghiệp vào thuê đất sản xuất. Trong khi đó, do toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã Đại Xuyên đều được quy hoạch để xây dựng Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội trong các giai đoạn tiếp theo, nên không được đầu tư về hạ tầng giao thông, thủy lợi, khiến việc canh tác gặp nhiều khó khăn.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànôịmới cho thấy, từ quốc lộ 1A (cũ) rẽ vào, khu công nghiệp nồng nặc mùi xú uế của trâu, bò. Tại khu A (khu công nghiệp), một diện tích đất lớn được quây tôn, bên trong có đặt máy móc; phần còn lại vẫn là đất trống. Còn khu B (là khu đô thị - dịch vụ, nhà ở) mới chỉ có một số công trình thấp tầng xây thô.
Chia sẻ nỗi mong ngóng của người dân về hoạt động của khu công nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên Nguyễn Văn Tân cho biết, cuộc sống của người dân xã Đại Xuyên còn nhiều khó khăn nên địa phương mong mỏi khu công nghiệp sớm đi vào hoạt động để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân...
Theo hồ sơ dự án, Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trong cả nước từ năm 2010, với tổng diện tích khoảng 440ha. Trong đó, Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội giai đoạn 1 do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G làm chủ đầu tư, có quy mô 76,92ha, gồm hai khu (khu A là khu công nghiệp; khu B là khu đô thị - dịch vụ, nhà ở công nhân). Thời hạn thực hiện dự án là 70 năm (kể từ năm 2012).
Về việc khu công nghiệp “ngủ đông”, đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội giải thích, trước đây, do quá trình phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu công nghiệp giai đoạn 1 tỷ lệ 1/500 gặp vướng mắc và chưa được phê duyệt nên các dự án thứ phát bị chậm tiến độ... Bên cạnh đó, do đơn giá thuê đất có hạ tầng tại Hà Nội nói chung và khu công nghiệp giai đoạn 1 nói riêng cao hơn so với mặt bằng chung các tỉnh lân cận nên khó thu hút nhà đầu tư thứ phát. Đồng thời, một số thủ tục pháp lý về đất đai, phòng cháy, chữa cháy… còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ
Trước những tồn tại trên, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở, ngành và huyện Phú Xuyên tạo điều kiện giải quyết nhanh nhất thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được UBND thành phố giao tại Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND ngày 29-12-2023, Ban Quản lý đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-BQL ngày 22-4-2024 phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội - giai đoạn 1 tỷ lệ 1/500 tại khu A. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai dự án...
Đến nay, phần công trình khu công nghiệp giai đoạn 1 cơ bản lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, đã thu hút được 8 dự án đầu tư thứ phát, gồm: 6 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 2 dự án của nhà đầu tư trong nước. Các dự án cơ bản đang hoàn thiện thủ tục và nội dung công việc. Dự kiến, trong năm 2025 và đầu năm 2026, có 2-3 dự án hoàn thành đầu tư xây dựng, chính thức đi vào hoạt động.
Để khuyến khích các nhà đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đề nghị huyện Phú Xuyên tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo, tuyển dụng lao động tại địa phương. Mặt khác, huyện Phú Xuyên sớm triển khai Dự án xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống đường gom, đường ngoài hàng rào khu công nghiệp giai đoạn 1 đang bị chậm tiến độ (Dự án được UBND thành phố Hà Nội giao huyện Phú Xuyên thực hiện bằng nguồn ngân sách thành phố).
Trước nỗi lo quy hoạch khu công nghiệp các giai đoạn tiếp theo kéo dài, ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp của người dân, đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thông tin, giai đoạn 2 của khu công nghiệp rộng khoảng 363ha, đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định dự toán lập quy hoạch phân khu, làm cơ sở trình UBND thành phố phê duyệt (dự kiến phê duyệt trong năm 2025), là căn cứ thực hiện các bước tiếp theo...
Còn với khu B (khu đô thị - dịch vụ, nhà ở công nhân) đã được chủ đầu tư đầu tư cơ bản về hạ tầng. Việc triển khai các hạng mục về dịch vụ, nhà ở công nhân sẽ do chủ đầu tư đề xuất thực hiện theo nhu cầu, phù hợp với quy hoạch khi các dự án đầu tư trong khu công nghiệp đi vào hoạt động.
Với những chuyển động tích cực của khu công nghiệp, kỳ vọng các dự án đầu tư được triển khai tại đây sẽ hoạt động hiệu quả, đúng định hướng, trở thành khu công nghiệp chuyên sâu công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.