Khu công nghiệp Biên Hòa 1: Doanh nghiệp di dời sớm có lợi hơn
Đồng Nai đang thực hiện chuyển đổi công năng Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. Tỉnh đã ấn định thời hạn trước ngày 25-8-2025, một số doanh nghiệp (DN) phải di dời và trước ngày 31-12-2025 phải hoàn tất di dời.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đang thực hiện chuyển đổi công năng thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. Ảnh:H.Lộc
Chủ động di dời sớm không chỉ thể hiện tinh thần đồng hành cùng chính quyền, mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho DN.
Chủ trương không thể trì hoãn
KCN Biên Hòa 1 là KCN có lịch sử lâu đời nhất cả nước. Trải qua hơn 60 năm hoạt động, KCN này đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, nguy cơ ô nhiễm môi trường cùng vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố Biên Hòa, bên bờ sông Đồng Nai khiến thực trạng khu vực này không còn phù hợp với định hướng phát triển đô thị hiện đại.
Trên cơ sở đề xuất của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương chuyển đổi công năng và đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi danh mục các KCN của Việt Nam. UBND tỉnh đã loại KCN này khỏi Quy hoạch tỉnh. Theo mốc thời gian mới nhất, UBND tỉnh yêu cầu phải hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với khu đất đấu giá (khoảng 75 hécta) và khu đất dự kiến xây dựng Trung tâm Chính trị - hành chính tỉnh (khoảng 105 hécta) trước ngày 25-8-2025; phần diện tích còn lại phải hoàn tất di dời trước ngày 31-12-2025.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Mai Phong Phú nhấn mạnh, việc di dời KCN Biên Hòa 1 là chủ trương không thể thay đổi, là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm định hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng môi trường sống và hình thành không gian đô thị hiện đại cho thành phố Biên Hòa.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà cho rằng, cả 2 nhiệm vụ đấu giá đất và xây dựng trung tâm hành chính đều rất cấp bách; làm sớm ngày nào tốt cho môi trường, sự phát triển của tỉnh và người dân ngày đó. Tỉnh đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chủ trì công tác bồi thường, di dời đối với hơn 70 DN, còn UBND thành phố Biên Hòa thực hiện bồi thường cho 225 hộ dân còn lại.
Sau khi hoàn tất di dời, toàn bộ diện tích 320 hécta của KCN Biên Hòa 1 sẽ được cải tạo thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ tích hợp ven sông Đồng Nai. Khu vực này còn có quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, nhà công vụ, quảng trường và các công trình công cộng. Đây là dự án phù hợp với định hướng phát triển đô thị của thành phố Biên Hòa, được kỳ vọng tạo nên không gian sống chất lượng cao, góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 không chỉ là “thay áo” về mặt cảnh quan, mà còn là bước ngoặt trong quá trình nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị và đưa Đồng Nai tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn phát triển bền vững, xanh - sạch - thông minh. Bởi lẽ, đây là dự án khu đô thị nằm trong kế hoạch thực hiện Đề án Net zero vào năm 2050 của tỉnh.
Di dời sớm sẽ có lợi hơn
Để tạo sự đồng thuận cao từ phía DN trong quá trình chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành đề án, kế hoạch và tổ chức các buổi đối thoại với DN. HĐND tỉnh đã thông qua danh mục dự án thu hồi đất, UBND thành phố Biên Hòa ban hành kế hoạch thu hồi đất. Như vậy, cơ sở pháp lý và quy trình thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng hỗ trợ tư vấn địa điểm di dời phù hợp cho DN.

Sản xuất tại Công ty CP Thiết Bị Điện sau khi di dời đến Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành.
Đại diện Công ty CP Thiết Bị Điện, ông Phạm Đăng Trình chia sẻ, nắm được chủ trương của tỉnh, từ năm 2017, công ty đã tìm địa điểm thuê đất, đến năm 2022 thì hoàn thành xây dựng nhà xưởng và di dời cơ sở về KCN Long Đức (huyện Long Thành). Tuy tốn thời gian và chi phí nhưng đổi lại, công ty có cơ sở khang trang, nằm trong KCN hiện đại, có hạ tầng tốt. Ông Trình kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ phù hợp cho DN đã di dời.
Thực tế cho thấy, các DN chủ động đi trước đã tận dụng được quỹ đất và vị trí tốt trong các KCN mới, KCN còn quỹ đất. Còn những DN đợi đến hạn cuối mới di dời sẽ rơi vào thế bị động, khó tìm vị trí phù hợp, thậm chí đối mặt với nguy cơ gián đoạn sản xuất.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi KCN Biên Hòa 1 không chỉ giúp bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai, mang lại lợi ích cho cộng đồng, mà còn giúp DN cải thiện hiệu suất thông qua tái cấu trúc, hiện đại hóa sản xuất; giảm chi phí xử lý môi trường; tăng khả năng cạnh tranh nhờ đáp ứng các tiêu chí sản xuất bền vững.
Những cơ sở chưa di dời, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và môi trường đã phối hợp cùng các ngành chức năng kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh ban hành hơn 30 quyết định xử phạt vi phạm về môi trường. Tại các quyết định này, ngoài phạt tiền, đình chỉ nguồn phát sinh chất thải, DN còn bị buộc di dời đến địa điểm phù hợp. Thời gian tới, sở tiếp tục cùng đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Những DN đã có cam kết di dời theo lộ trình đưa ra sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn.
Hiện còn khoảng 70 DN hoạt động trong KCN Biên Hòa 1. Phần lớn đã có kế hoạch di dời, nhưng vẫn còn một số DN chưa chịu di dời, có DN đã hết thời hạn thuê đất nhưng vẫn cố tình hoạt động. UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành, áp dụng công cụ quản lý nhà nước đi kiểm tra, buộc di dời từ trung tuần tháng 5 này.