Không tự ý nặn mụn trên mặt để tránh nhiễm khuẩn
Mụn trứng cá trên mặt gây nhiều khó chịu, mất tự tin cho các bạn trẻ nên thường tự ý nặn mụn khiến dễ nhiễm khuẩn.
Tác hại khi tự nặn mụn tại nhà
Mụn hay mụn trứng cá là tổn thương ngoài da phổ biến ở mọi lứa tuổi. Bã nhờn, tế bào da chết và vi khuẩn mắc kẹt trong lỗ chân lông là nguyên nhân gây ra mụn nhọt, với biểu hiện là những vết sưng đỏ, mềm, có mủ trắng ở đầu. Khi mụn hình thành, lỗ chân lông sưng lên và chịu nhiều áp lực. Mặc dù vậy, nặn mụn có thể phá vỡ cấu trúc da, gây viêm và nhiễm trùng rộng hơn, phá hủy vòng viêm tại chỗ, hình thành những nốt mụn khác xung quanh.
Đặc biệt ở vùng mặt có một khu vực gọi là vùng tam giác nguy hiểm, cách xác định: Đặt bàn tay sao cho đầu ngón tay giữa chạm xương mũi, lòng bàn tay ôm trọn vùng mũi - miệng và cằm. Khu vực này có rất nhiều tĩnh mạch nối các dây thần kinh khu vực xương sọ giúp vận chuyển máu đến não.
Các tĩnh mạch thông thường đều có van để ngăn máu chảy ngược chiều, tuy nhiên tĩnh mạch ở khu vực này đều là loại không van. Khu vực tam giác bị viêm nhiễm có thể gây nên các bệnh: Nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, liệt cơ vùng mặt, tổn thương dây thần kinh vùng mặt gây liệt cơ mặt, thậm chí tử vong.
Hầu hết các loại vi khuẩn gây bệnh ở người đều có thể gây nên bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết, tuy nhiên hay gặp một số nhóm vi khuẩn sau: Vi khuẩn Gram-âm bao gồm: Salmonella, Escherichia coli; Klebsiella; Serratia; Pseudomonas aeruginosa; Burkholderia pseudomallei; A. baumannii Vi khuẩn Gram-dương: Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus, Streptococcus suis… Vi khuẩn kị khí: Clostridium perfringenes và Bacteroides Fragilis.
Chính vì vậy, bất kỳ tổn thương nào trên cơ thể cũng có thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn và có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết.
Ngoài ra, việc tự ý nặn mụn gây ra những hệ lụy sau đây.
Để lại sẹo rỗ, sẹo lõm
Da tại vùng mũi rất mỏng nên nếu bạn gây tổn thương cho da bằng những dụng cụ nặn mụn không đảm bảo vệ sinh thì sẽ tạo ra những vết thâm, rỗ, lõm trên da.
Kích thích mọc mụn mới
Nếu nặn mụn không vô khuẩn sẽ khiến vi khuẩn, chất dầu và nhân trong mụn trứng cá sau khi nặn có thể lây lan. Hơn nữa, nổi mụn thường do việc chạm tay lên mặt. Trừ khi tay bạn sạch, vi khuẩn và các chất bẩn có thể lan tới các lỗ chân lông sạch.
Mụn có vết thâm
Tình trạng này gọi là tăng sắc tố sau viêm, xảy ra khi vùng da tối phát triển trên bề mặt của một nốt mụn đã lành. Người với da sậm màu thường gặp vấn đề này với mức độ nghiêm trọng hơn. Tăng sắc tố có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để phai dần và hạn chế nặn mụn không phải lúc nào cũng khiến tình trạng này giảm. Tuy nhiên, khả năng bị thâm trên da ít hơn khi bạn không nặn mụn và để chúng tự lành.
Không tự ý nặn mụn trên mặt tại nhà
Nhiều người bệnh còn quá chủ quan, nặn mụn không đúng cách và uống thuốc không theo toa của bác sĩ, điều này dẫn đến khối áp xe lan tỏa khá phức tạp.
Do đó, người bệnh tuyệt đối không tự nặn mụn nếu thấy mụn có dấu hiệu sưng, nóng, đỏ và đau, đặc biệt là vùng giữa mặt, vùng mũi. Nếu tự nặn mụn khi mụn chưa gom (chưa già) cùng với bàn tay không sạch sẽ đối diện nguy cơ nhiễm trùng. Trường hợp nhiễm trùng nhẹ có thể viêm, áp xe tại chỗ, trường hợp nặng có thể gây viêm tắc tĩnh mạch xoang hang trong não, dẫn đến hôn mê và tử vong (vì vùng này có nhiều mạch máu thông với các mạch máu xoang hang vùng sọ não).
Khi nổi mụn nhọt ở vùng mặt, nếu thấy sưng, nóng, đỏ, đau, gây phù nề vùng mô lân cận,… người bệnh cần đến các cơ sở y tế có đầy đủ chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng. Đặc biệt, không nên tự mua thuốc kháng sinh để về điều trị. Ngoài ra, để giảm bớt nguy cơ nổi nhọt, hạn chế cho vi khuẩn tiếp xúc với da, cần vệ sinh da sạch sẽ và thường xuyên. Không nên tự ý nặn mụn khi còn sưng đau, hạn chế đưa tay lên mặt.
Phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn huyết cần thực hiện các biện pháp vệ sinh, an toàn lao động, xử trí sớm các ổ nhiễm khuẩn. Không tự ý nặn mụn. Theo dõi và điều trị các bệnh mạn tính như bệnh đái tháo đường, xơ gan,… để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn. Không lạm dụng corticoid, dùng kháng sinh đúng chỉ định.