Vì sao ăn ngon, ngủ kỹ 9 ngày nghỉ nhưng đi làm sau Tết vẫn lờ đờ?

Nhiều người cảm thấy khó bắt nhịp công việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Theo chuyên gia, cảm giác mệt mỏi là bình thường nhưng kéo dài hơn 2 tuần là dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe.

 Nhiều người đi làm trở lại sau Tết trong sự mệt mỏi. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhiều người đi làm trở lại sau Tết trong sự mệt mỏi. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

“Đi làm nhưng tâm trí vẫn đang nghỉ Tết”, “Chưa kịp chơi đã phải đi làm”, “Tuần đầu đi làm sau Tết sao mệt mỏi quá”...

Dân văn phòng trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán đang than thở về “hệ quả của kỳ nghỉ lễ” trên mạng xã hội. Nhiều người cảm thấy uể oải và trì trệ khi trở lại cuộc sống hàng ngày sau kỳ nghỉ kéo dài 9 ngày.

“Hội chứng hậu nghỉ lễ”

Phương Nhung (29 tuổi), nhân viên công ty du lịch ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho biết: “Sáng mùng 5 Tết, chồng tôi đã lóc cóc lái xe 300 km đưa vợ, con từ quê lên Hà Nội để hôm sau kịp đi làm. Trừ ngày đầu tiên hào hứng vì được sếp lì xì và ‘thả cửa’ công việc, từ hôm sau, tôi luôn cảm thấy mệt mỏi và không thể tập trung suốt cả ngày”.

Khó bắt nhịp công việc trở lại sau kỳ nghỉ lễ cũng là điều Minh Huyền (28 tuổi), nhân viên công ty thực phẩm tại quận Long Biên (Hà Nội), đang trải qua. Cô gái quê Yên Bái cho biết trong đợt Tết, cô gần như dành trọn 9 ngày nghỉ để ăn ngon, ngủ kỹ và vui chơi thả ga. Nhưng khi trở lại guồng công việc, cô vẫn cảm thấy thiếu năng lượng.

 Nhiều người cảm thấy uể oải, trì trệ sau kỳ nghỉ dài có thể do ảnh hưởng của “hội chứng hậu nghỉ lễ”. Ảnh: Pexels.

Nhiều người cảm thấy uể oải, trì trệ sau kỳ nghỉ dài có thể do ảnh hưởng của “hội chứng hậu nghỉ lễ”. Ảnh: Pexels.

Một loạt lời phàn nàn về thể trạng kém, mất động lực và thờ ơ với công việc do căng thẳng tinh thần sau kỳ nghỉ được gọi là “hội chứng hậu nghỉ lễ”. Nguyên nhân chính của tình trạng này là sự gián đoạn nhịp sinh học do ăn quá nhiều, ngủ nướng và cuộc sống xáo trộn trong kỳ nghỉ dài.

Cho Chul-hyun, giáo sư tâm thần học tại Bệnh viện Anam của Đại học Hàn Quốc, cho biết: “Cảm thấy uể oải sau kỳ nghỉ lễ là điều bình thường. Quan trọng là phục hồi cơ thể từng bước theo hướng điều chỉnh nhịp sinh học”.

Theo đó, để ngăn ngừa “hội chứng hậu nghỉ lễ”, Giáo sư Cho khuyến cáo mọi người nên khôi phục thói quen ngủ và ăn uống hàng ngày vào hôm cuối cùng của kỳ nghỉ; điều chỉnh thời gian đi ngủ và thức dậy như bình thường; tránh ăn vặt vào đêm khuya và ổn định môi trường ngủ.

Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động thể chất thông qua tập thể dục nhẹ hoặc đi bộ, khôi phục lại sự cân bằng của cơ thể bằng cách uống đủ nước và bổ sung dinh dưỡng cũng là những điều cần thiết để lấy lại năng lượng sau kỳ nghỉ.

Giáo sư Cho cảnh báo thêm nếu tình trạng mệt mỏi và trì trệ kéo dài hơn 2 tuần, đây có thể là dấu hiệu của một số chứng bệnh như mất ngủ, mệt mỏi mạn tính, trầm cảm.

Cách lấy lại năng lượng

Linda Smith, nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ, cũng đồng tình rằng sau bất kỳ sự kiện lớn nào như kỳ nghỉ lễ hay đám cưới, mọi người có thể có một khoảng thời gian ì ạch.

Nữ chuyên gia chia sẻ lời khuyên để chống lại sự mệt mỏi sau kỳ nghỉ:

Lên kế hoạch cho một việc gì đó để mong đợi. Một phần nguyên nhân cho sự hụt hẫng sau kỳ nghỉ là chúng ta dành một tháng hoặc hơn để chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ, trong khi dịp này chỉ kết thúc trong vòng một tuần.

Trở lại công việc hàng ngày, đặc biệt là trong những ngày đông giá rét, có thể khiến áp lực tăng theo. Để giảm bớt sự trì trệ, hãy bước vào văn phòng với kế hoạch cho một kỳ nghỉ, một bữa tiệc hoặc thậm chí là một thử thách cho bản thân. Điều này sẽ mang lại cho bộ não một điều gì đó tích cực để tập trung vào và vượt qua sự thờ ơ sau kỳ nghỉ.

Tạo một kế hoạch hành động. Đặt mục tiêu cho công việc và vạch ra kế hoạch hành động trước khi trở lại văn phòng. “Có một kế hoạch tốt có thể giúp bạn trở lại hoạt động như bình thường”, Smith nói.

Một thử thách mới cung cấp cho bộ não thứ gì đó để tập trung vào, giúp tăng năng lượng và ngăn chặn sự chậm chạp.

 Lập danh sách việc cần làm trước khi quay trở lại văn phòng sau kỳ nghỉ lễ có thể giúp tập trung tâm trí. Ảnh: Pexels.

Lập danh sách việc cần làm trước khi quay trở lại văn phòng sau kỳ nghỉ lễ có thể giúp tập trung tâm trí. Ảnh: Pexels.

Sắp xếp bàn làm việc. Không gì có thể khiến mọi người cảm thấy choáng ngợp hơn là nhìn vào một núi giấy tờ khi trở lại văn phòng. Hãy dành vài giờ vào dịp năm mới để dọn dẹp bàn làm việc trước khi ổn định cuộc sống. Bắt đầu với một chiếc bàn sạch sẽ có thể giúp tâm trí tập trung vào các nhiệm vụ đã lên kế hoạch.

Thiền định. Dành thời gian nghỉ để lắng nghe hơi thở của bản thân có thể tiếp thêm năng lượng. Nếu cảm thấy cạn kiệt năng lượng, hãy nghỉ ngơi 5 phút để hít vào và thở ra sâu hoặc đi dạo ngoài trời. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hít thở không khí trong lành ngoài trời có thể giúp thư giãn hệ thần kinh, tái tạo năng lượng cho não, cải thiện sự tập trung và sáng tạo.

Lập danh sách việc cần làm. Trước khi quay trở lại văn phòng, hãy lập một danh sách việc cần làm để giúp tập trung tâm trí. Smith cảnh báo nên tránh lập danh sách vào đêm trước khi trở lại công ty vì sau đó có thể khó ngủ. “Việc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến cảm giác và hiệu suất của bạn vào ngày hôm sau”, bà nói.

Danh sách này vạch ra ý tưởng rõ ràng về những gì phía trước, giúp mọi người tránh bị choáng ngợp khi bước vào văn phòng đầu năm.

Đóng khung một bức ảnh mới. Trang trí góc làm việc ở văn phòng bằng một bức ảnh mới của gia đình hoặc chuyến đi mà bản thân thực hiện trong kỳ nghỉ. Những suy nghĩ tích cực khi nhìn vào tấm hình sẽ giúp tăng năng lượng.

Thiên Diệp

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/an-ngon-ngu-ky-9-ngay-nghi-nhung-di-lam-sau-tet-van-lo-do-post1529821.html
Zalo