Không thiếu thuốc trị cảm cúm, người dân không nên mua trữ

Hiện tại, đang mùa cúm A, nhu cầu mua dược phẩm phòng, chữa cúm của người dân tăng hơn so với trước. Dù vậy, nhiều nhà thuốc tại Đồng Nai cho hay, nguồn thuốc vẫn dồi dào.

Sau Tết, nhu cầu mua thuốc phòng, chữa cảm cúm của người dân tăng 30-50%. Ảnh: Bích Nhàn

Sau Tết, nhu cầu mua thuốc phòng, chữa cảm cúm của người dân tăng 30-50%. Ảnh: Bích Nhàn

Riêng thuốc Tamiflu, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho hay hiện vẫn "còn đầy kho", đảm bảo nguồn cung thị trường, người dân không cần mua dự trữ.

Sau Tết, số lượng người mua thuốc cúm tăng từ 30-50%

Bị sốt, ho, sổ mũi từ 4 ngày nay, chị Mai Thu Hà, ngụ phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa không đi khám bác sĩ mà chỉ mua thuốc về uống. Theo chị Hà, cảm cúm là bệnh thông thường nhưng gia đình có cả người già lẫn trẻ nhỏ sống chung nên đợt cúm này, chị khá lo lắng.

Do vậy, ngoài mua thuốc chữa trị cúm, chị Hà còn mua thêm các loại vitamin, dầu tràm… để vừa chữa bệnh cho bản thân và phòng bệnh cho người nhà. Dù đang mùa bệnh cúm, chị Hà không có tâm lý mua thuốc điều trị cúm để sẵn.

Tương tự, chị Hoàng Thị Ngọc, ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa cũng không có tâm lý trữ thuốc chữa cúm. Chị Ngọc cho rằng: “Gia đình tôi tiêm vắc xin nên ít mắc cúm hơn. Nếu mắc bệnh, chỉ 1-2 lần/năm với các cơn sốt nhẹ, hắt xì nên không lo lắng nhiều. Khi mắc bệnh, mình chủ động mua thuốc theo triệu chứng và uống theo liều mà dược sĩ nhà thuốc bán. Tôi nghĩ mùa này có bệnh cúm nhưng không thể nào thành dịch tràn lan, thiếu thuốc đến mức phải dự trữ như lương thực được”.

Theo quản lý nhà thuốc Minh Châu 99, phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa, khoảng nửa tháng nay, nhà thuốc ghi nhận tình trạng nhiều người bị ho, cảm sốt đến mua thuốc chữa trị cảm cúm. Nhưng khác với các năm trước, người bệnh chỉ mua thuốc uống 2-3 ngày, năm nay, nhiều người phải mua thuốc uống từ 7-10 ngày vẫn còn các cơn ho, cảm… “Sau Tết, bệnh nhân đến mua thuốc đông hơn vì nhiều người ở các tỉnh miền Bắc trở lại Đồng Nai làm việc. Dù vậy, chúng tôi không ghi nhận tình trạng người dân mua nhiều loại thuốc chữa cảm cúm cùng lúc để dự trữ” – vị quản lý này cho hay.

Dược sĩ đại học Thiên Thanh, quản lý nhà thuốc An Khang (đường Phan Đình Phùng, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) cho biết thêm, lượng người dân mua thuốc phòng và điều trị cảm cúm tăng từ 30-50% so với trước Tết. Theo đó, đa phần khách hàng có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi đến mua các loại thuốc chữa trị và các sản phẩm phòng bệnh cúm như nước muối sinh lý, dầu tràm...

Hiện nay, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công khai trên website giá bán buôn dự kiến thuốc Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp. Hiện loại thuốc này vẫn còn đầy kho, đảm bảo nguồn cung thị trường.

Thuốc Tamiflu chỉ bán theo đơn bác sĩ

Theo ghi nhận tại một số nhà thuốc trên địa bàn thành phố Biên Hòa, hiện đã có người mắc cúm mua thuốc Tamiflu - là một loại thuốc kháng virus được dùng để điều trị và ngăn ngừa bệnh cúm (các loại cúm A và B). “Loại thuốc này có thể dùng cho cả trẻ em, người lớn nhưng là thuốc kê đơn. Chúng tôi chỉ bán khi có đơn thuốc do bác sĩ kê toa” – dược sĩ Thanh, quản lý nhà thuốc An Khang chia sẻ.

Các nhà thuốc cho hay, chỉ bán Tamiflu theo đơn của bác sĩ. Ảnh: Bích Nhàn

Các nhà thuốc cho hay, chỉ bán Tamiflu theo đơn của bác sĩ. Ảnh: Bích Nhàn

Ngoài ra, dược sĩ Thanh cho biết thêm, thông tin từ Phòng mua hàng nhà thuốc An Khang, đơn vị này vẫn nhập loại thuốc Tamiflu để cung ứng về các nhà thuốc và chỉ bán cho khách hàng theo chỉ định từ bác sĩ. Dự kiến, khoảng tuần sau, loại thuốc Tamiflu mới có mặt tại các nhà thuốc của doanh nghiệp này ở Đồng Nai.

Tương tự, đại diện chuỗi nhà thuốc Pharmacity tại Đồng Nai cho biết, đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp để nguồn hàng được cung ứng liên tục, tránh thiếu hụt thuốc. Ngoài ra, giá thuốc đặc trị vẫn không điều chỉnh tăng so với trước đây. “Nhu cầu của khách hàng về thuốc chữa cúm tăng nhưng chưa đến mức báo động. Riêng thuốc Tamiflu, chúng tôi chỉ bán khi có toa thuốc để tránh tình trạng sử dụng không hợp lý của người bệnh” – dược sĩ Phạm Văn Hải, quản lý khu vực chuỗi nhà thuốc Pharmacity tại Đồng Nai chia sẻ.

Thực tế ghi nhận tại một số điểm bán thuốc cho thấy, vẫn có một số khách hàng muốn mua thuốc Tamiflu để khi có người nhà bị bệnh cúm là cho uống luôn vì lời đồn loại thuốc này là “thần dược” trị cúm, nhất là trong bối cảnh bệnh cúm đang gia tăng hiện nay.

Tuy nhiên, Thạc sĩ – bác sĩ Phạm Thị Tám, Hệ thống Y khoa Ái Nghĩa khuyến cáo: “Nếu gia đình có người bị triệu chứng cúm như: sốt, ho, đau họng, mệt mỏi nên đưa người bệnh đi khám. Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng bệnh, mức độ nguy cơ, và quyết định sử dụng thuốc gì và có cần sử dụng Tamiflu hay không; tuyệt đối không tự ý uống hoặc cho người bệnh uống loại thuốc này”.

Ngoài ra, để ngừa cúm, ngoài tiêm vắc xin, người dân hãy duy trì các biện pháp phòng ngừa như: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, và hạn chế tiếp xúc gần với người bệnh.

Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Thị Tám, Hệ thống Y khoa Ái Nghĩa nhấn mạnh, việc sử dụng thuốc Tamiflu (Oseltamivir) cần phải có chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý mua và sử dụng cho gia đình. Nguyên nhân, Tamiflu là thuốc kháng virus, có thể giảm mức độ nặng của cúm nếu sử dụng trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng. Tuy nhiên, thuốc này không phải là thuốc phòng ngừa, và việc sử dụng thuốc không đúng cách hoặc không cần thiết có thể dẫn đến tác dụng phụ hoặc làm giảm hiệu quả điều trị nếu không được chỉ định đúng.

Bích Nhàn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/y-te/202502/khong-thieu-thuoc-tri-cam-cum-nguoi-dan-khong-nen-mua-tru-ebd4001/
Zalo