Không thiếu cơ chế, chỉ thiếu cách làm hay, sáng tạo

Đó là khẳng của Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam Cao Xuân Thu Vân tại Diễn đàn 'Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản' diễn ra sáng 28/8.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: N.Lộc

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: N.Lộc

Theo số liệu thống kê, hiện nay, cả nước đang có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX) với các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi giá trị nông sản. Các HTX đã và đang góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển chuỗi giá trị nông sản vẫn còn gặp những trở ngại nhất định. Trên cơ sở nhận diện những thách thức này, các đại biểu đã tập trung thảo luận về giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị nông sản, và đặc biệt là xây dựng các liên kết chặt chẽ trong toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ...

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh: “Có thể nói, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này nhằm đáp ứng cho thị trường quốc tế đang tiếp tục mở rộng cho Việt Nam với gần 20 FTA đã ký kết và đàm phán, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong nước với quy mô hơn 100 triệu dân”.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân

Để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản trong tái cơ cấu nông nghiệp rất cần đẩy mạnh phát triển, liên kết giữa các HTX với nhau và với doanh nghiệp; phát triển mô hình sản xuất kinh doanh gắn với tập đoàn kinh tế, viện nghiên cứu, sản phẩm OCOP và các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm...

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cần nhìn nhận một thực tế là vẫn còn nhiều mặt hạn chế và thách thức nhất định cho việc phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản. Một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu (liên kết ngang), cũng như giữa các khâu (liên kết dọc) trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo.

"Đơn cử như trong khâu sơ chế biến chỉ mới dừng lại ở mức độ thỏa thuận không chính thức về phân vùng thu mua nguyên liệu, chưa hình thành liên kết ngang để thống nhất giá cả và chất lượng" - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết.

Thêm vào đó, liên kết giữa các tổ hợp tác/HTX trong một số ngành hàng cũng chỉ mới dừng lại ở chỗ liên kết mang tính thời vụ, chưa mang tính chia sẻ rủi ro và lợi ích, do vậy vẫn chưa đạt được tính bền vững cao. Nhìn chung, các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa thật sự vững chắc.

Không những vậy, theo bà Cao Xuân Thu Vân, số HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, giá trị cạnh tranh trên thị trường chưa cao. Chưa có nhiều HTX có năng lực tổ chức liên kết, phát huy vai trò cầu nối thật sự hiệu quả, có khả năng lan tỏa trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Chính vì thế, trong tái cơ cấu nông nghiệp, để chuỗi giá trị nông sản Việt phát triển bền vững và hiệu quả đòi hỏi phải khắc phục mặt những hạn chế cố hữu này. Nhất là cần liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, cần củng cố và phát triển các tổ chức sản xuất tập thể và các mối liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi.

Các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học tại diễn đàn. Ảnh: N.Lộc

Các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học tại diễn đàn. Ảnh: N.Lộc

Ngoài ra, trước xu hướng tiêu dùng nông sản xanh và sạch của thị trường trong và ngoài nước như hiện đang đặt ra yêu cầu chuỗi giá trị nông sản phải hướng tới thúc đẩy các nông dân, HTX, doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động chuỗi của mình nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh để đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường. Tính cấp thiết phải chuyển đổi sang hệ thống nông sản thực phẩm xanh, phát thải thấp, đồng thời “xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội” đang đặt ra yêu cầu cho chuỗi giá trị nông sản Việt cần góp phần tạo ra những thay đổi bền vững trong quy trình canh tác và chế biến.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho hay, ngành nông nghiệp có nhiều chính sách của Nhà nước hỗ trợ thúc đẩy trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm nhóm chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ giống, liên kết sản xuất tiêu thụ, chuyển đổi số, phát triển chế biến sâu, khuyến khích kêu gọi đầu tư, thuế và tín dụng đối với hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng trong nước...

"Nhìn chung, về mặt chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt là không thiếu" - bà Cao Xuân Thu Vân đánh giá.

Do đó, theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, vấn đề còn lại là năng lực và điều kiện tiếp cận của các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản đối với các chính sách này như thế nào, hoặc khâu chính sách nên điều chỉnh như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế của tái cơ cấu nông nghiệp.

Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đóng góp vào kết quả chung, nông sản đạt 18,21 tỷ USD, tăng 23,4%; lâm sản đạt 9,41 tỷ USD, tăng 21,1%; thủy sản đạt 5,29 tỷ USD, tăng 7,3%; chăn nuôi đạt 288 triệu USD, tăng 4,8%.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/khong-thieu-co-che-chi-thieu-cach-lam-hay-sang-tao-34168.html
Zalo