Không nhân nhượng với vi phạm về an toàn thực phẩm

Đồng Nai hiện có gần 18 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống được quản lý ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã.

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại một bếp ăn tập thể của doanh nghiệp trong tỉnh. Ảnh: H.Dung

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại một bếp ăn tập thể của doanh nghiệp trong tỉnh. Ảnh: H.Dung

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm theo nhiều hình thức nhằm xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, cảnh tỉnh và tạo tính răn đe đối với các cơ sở khác.

Còn nhiều cơ sở vi phạm

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nguyễn Đình Minh cho biết, trong 10 tháng của năm 2024, các ngành chức năng trong tỉnh đã kiểm tra, hậu kiểm hơn 17,1 ngàn cơ sở. Kết quả phát hiện hơn 1,5 ngàn cơ sở vi phạm, 930 cơ sở trong số đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 4,6 tỷ đồng.

Riêng Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 132 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), xử phạt hành chính 107 vụ với tổng số tiền 916 triệu đồng. Ngoài ra, tịch thu, tiêu hủy hàng chục tấn thịt heo, thịt bò, thịt gà, thịt vịt trong các vụ vi phạm về ATTP, đã khởi tố điều tra 2 vụ, 2 bị can về tội vi phạm quy định về ATTP.

Giai đoạn 2020-2024, Đồng Nai xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 1,2 ngàn người mắc, 6 người tử vong. Đáng lưu ý, năm 2021, có 4 người tử vong do ngộ độc xyanua, methanol. Trong năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 657 người mắc, 1 người tử vong.

Điển hình như cuối tháng 10 vừa qua, PC03 Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Trảng Bom kiểm tra, phát hiện tại cơ sở mổ heo trái phép ở ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, do đối tượng L.V.T. làm chủ, hoạt động thu gom heo chết và thịt heo từ nguồn heo chết để pha lóc, bán làm thực phẩm. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện hơn 4,2 tấn thịt heo đã pha lóc để đưa đi bán. Toàn bộ số thịt này đều trong tình trạng bầm tím, bốc mùi hôi thối, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, giấy tờ kiểm dịch.

Trước đó, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05, thuộc Bộ Công an) phối hợp với PC03 và các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện ở khu phố 3, phường Long Bình (thành phố Biên Hòa), đối tượng Đ.N.B. đang tổ chức mổ 15 con heo đã chết, chia thịt thành nhiều mảng, chuẩn bị đem đi tiêu thụ làm thực phẩm với khối lượng hơn 1,5 tấn.

Đáng lưu ý, kết quả xét nghiệm xác định số heo chết ở 2 vụ việc trên đều nhiễm virus bệnh tả heo châu Phi. Xét thấy các vụ việc có dấu hiệu tội phạm vi phạm quy định về ATTP theo Bộ luật Hình sự năm 2015, các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn

Phó giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo bảo đảm vệ sinh ATTP tỉnh Võ Thị Ngọc Lắm nhấn mạnh, mặc dù công tác quản lý ATTP đạt được nhiều kết quả tích cực song vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn.

Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm là do đạo đức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa cao. Nhiều người vì lợi ích trước mắt hoặc thiếu hiểu biết, sơ suất nên không đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm. Đến khi người tiêu dùng sử dụng thì dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh đó, thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản vẫn còn. Sản lượng, quy mô liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, nhất là chuỗi sản phẩm rau, thịt, hiện còn hạn chế…

Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nguyễn Đình Việt cho hay, Đồng Nai có nhiều bếp ăn tập thể trong doanh nghiệp, cũng là địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi nhưng việc kiểm soát ATTP ngay từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào còn khó khăn; tình trạng giết mổ không phép chưa được kiểm soát triệt để.

Việc kết nối chuỗi thực phẩm an toàn đến các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa hiệu quả do giá cao hơn giá thị trường. Vì thế, nhiều doanh nghiệp có bếp ăn tập thể và doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp thường tìm đến các nguồn cung cấp giá rẻ hơn. Hợp đồng cung cấp nguyên liệu thực phẩm qua nhiều đơn vị trung gian dẫn đến khó kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp lớn tổ chức chế biến thức ăn tập trung ở bên ngoài và cách xa khu công nghiệp rồi vận chuyển vào các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, không đáp ứng được các yêu cầu về thời gian, phương tiện vận chuyển và bảo quản, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm rất cao.

Để đảm bảo công tác ATTP trong thời gian tới, bà Võ Thị Ngọc Lắm đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao và hay xảy ra vi phạm. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cần chú trọng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, vùng chăn nuôi và giết mổ tập trung. Hình thành và phát triển chuỗi về nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong kiểm soát ATTP ngay từ khâu đầu vào, chủ động phòng, chống tiêu cực trong lĩnh vực ATTP.

Đặc biệt, nâng cao vai trò giám sát của quần chúng nhân dân trong việc phát hiện, tố giác hành vi vi phạm ATTP. Tạo dư luận xã hội để người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo ATTP…

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202411/khong-nhan-nhuong-voi-vi-pham-ve-an-toan-thuc-pham-e6b7be5/
Zalo