Không nhận diện được hiện tượng 'cài cắm' chính sách trong xây dựng pháp luật thì không thể phòng, chống hiệu quả
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức hội thảo 'Phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật'.
Theo các đại biểu, việc phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật cần đặt trong bối cảnh kiểm soát quyền lực nói chung. Cần công khai, minh bạch các quy trình trong xây dựng pháp luật, cùng với đó quy trách nhiệm, có chế tài xử lý đối với các chủ thể có hành vi sai phạm.
Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Luật Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để làm rõ hơn về vấn đề này.
+ Thưa Tiến sĩ, có ý kiến cho rằng, thực tế xây dựng pháp luật cho thấy, có xu hướng các cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật luôn giành phần thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về phần mình và đẩy khó khăn về đối tượng chịu sự điều chỉnh. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Trong thực tế, rõ ràng có chuyện đó. Một số trường hợp, khi xây dựng văn bản pháp luật thì không chỉ cơ quan soạn thảo, mà kể cả các cơ quan khác trong quá trình tham gia, đều muốn những việc, những quy định không quá “chênh”; hoặc các thủ tục không gây ra sự xáo trộn đối với họ; hoặc có sự xáo trộn nhưng phải mang lại lợi ích thì họ mới làm. Ví dụ như thành lập các quỹ, tăng cường bộ máy, tăng cường biên chế, tăng thêm thẩm quyền, giảm bớt nghĩa vụ… Đấy là những tình trạng chung, là câu chuyện có thật.
+ Khi phát biểu tại hội thảo “Phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”, ông có nhấn mạnh rằng, nếu không nhận diện được thì không phòng tránh được nhưng nếu nhận diện không đúng thì lại không bảo vệ được cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề đó?
- Chúng ta muốn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, phòng chống những hiện tượng “cài cắm” chính sách trong xây dựng pháp luật… thì phải biết hành vi đó là gì, nó lộ diện ra ngoài như thế nào? Từ đó, chúng ta mới phòng chống được.
Tức là, trước hết phải khái niệm, định nghĩa được nó, phải chỉ ra được diện mạo của nó và thậm chí phải đánh giá được tác hại của nó đến đâu, mức độ phòng chống đến đâu, loại tiêu cực nào thì phòng chống bằng phương tiện nào, biện pháp gì, lực lượng nào, thời gian ra sao,…
Nếu bây giờ chúng ta không giải quyết được vấn đề lý luận đó, thực tế đó thì rất khó “xử lý” tận gốc. Thời gian qua, trong quá trình kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện có dấu hiệu “cài cắm”, vi phạm pháp luật trong xây dựng văn bản pháp luật. Đơn vị này đã có rất nhiều kiến nghị giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, các cơ quan, bộ ngành khác thì lại cho rằng họ không phát hiện việc “cài cắm” lợi ích chính sách. Nhưng khi đề cập đến giải pháp thì các đơn vị đó đưa ra một loạt giải pháp phòng, chống. Vậy, nếu không phát hiện vấn đề thì đề ra giải pháp phòng, chống để làm gì? Rõ ràng là có sự mâu thuẫn trong chính tư duy khi chúng ta làm chính sách.
Tóm lại, tôi cho rằng, nếu không nhận diện được các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, không biết được tác động của nó đến đâu thì không thể bàn đến câu chuyện phòng, chống và càng không bao giờ có thể phòng, chống hiệu quả.
+ Theo một số chuyên gia, để nhận diện được lợi ích nhóm trong chính sách, cần làm rõ chính sách đó làm lợi cho ai; nếu chính sách chỉ làm lợi cho một nhóm người thì lợi ích đó có chính đáng hay không, có tiêu cực trong quá trình xây dựng chính sách?… Ông có nghĩ như vậy không?
- Nhận định này hoàn toàn đúng. Bởi vì khi làm chính sách pháp luật, phải đánh giá được tác động của chính sách pháp luật đó đến với đời sống, kinh tế - xã hội, đến với quốc phòng, an ninh, đối ngoại… như thế nào. Chúng ta vừa phải đánh giá ở tầm cao, vừa phải đánh giá ở tất cả những vấn đề chi tiết, kể cả đối với sinh hoạt, an sinh xã hội của người dân. Vấn đề này không thể chung chung, mà phải lượng hóa ra được.
Đường lối của Đảng, thể chế chính trị chỉ đặt ra những vấn đề mang tính chất chuyên môn, nhưng khi làm luật, làm chính sách thì anh phải biết được bao nhiêu đối tượng chịu sự tác động. Tôi lấy ví dụ như đặt ra một đạo luật về làng nghề chẳng hạn thì dứt khoát phải đánh giá được là có bao nhiêu làng nghề, kèm theo đó là bao nhiêu lực lượng lao động, bao nhiêu lực lượng “ăn theo”? Vấn đề đó ảnh hưởng gì đến chính sách thương mại, du lịch, xuất khẩu, đất đai, tài nguyên, môi trường?...
Chúng ta phải đánh giá được rất rõ, phải dựa trên toàn bộ hệ thống quy hoạch, phát triển kinh tế, xã hội nói chung của đất nước, trong đó có vấn đề tài nguyên lao động, tài nguyên con người… thì chúng ta mới làm được. Còn nếu không đánh giá được thì chắc chắn là rất khó thực hiện.
Vẫn còn tư duy nhiệm kỳ, cài cắm lợi ích vào dự án, dự thảo văn bản pháp luật
Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã chỉ rõ “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong ba đột phá chiến lược được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Trong những năm qua, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được tăng cường và đạt nhiều kết quả hết sức quan trọng. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện, cơ bản bảo đảm tính thống nhất, khả thi, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, thực tiễn công tác xây dựng pháp luật cũng cho thấy, chất lượng xây dựng một số văn bản chưa cao, vẫn còn tư duy nhiệm kỳ, cài cắm lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương vào dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
+ Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động này, đại diện Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, nên nghiên cứu xây dựng luật về vận động hành lang, bởi trên thực tế các hành động này vẫn đang diễn ra, vì vậy cần có quy định để đảm bảo hoạt động này đúng mục đích, ngăn chặn hành vi tiêu cực. Xin ông cho biết quan điểm cá nhân đối với gợi ý này?
- Vận động hành lang ở đây tức là mọi người muốn công khai hóa, minh bạch hóa vấn đề vận động hành lang. Tuy nhiên, tôi cho rằng, công khai hóa hay bí mật hóa cũng đều có tính 2 mặt.
Nếu công khai hóa vận động hành lang thì có nghĩa là trở thành một “cái chợ” vận động chính thức; còn ngược lại thì sẽ “đi đêm với nhau”. Theo tôi, điều quan trọng nhất là những nhà làm chính sách phải có tính chuyên nghiệp, các Đại biểu Quốc hội phải tăng cường tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cao.
Ở đây tôi muốn nói, chuyên môn không có nghĩa là các nhà chuyên môn vào làm, mà tức là cần phải chuyên môn hóa chính sách. Những người làm chính sách phải có tâm, có tầm, có bản lĩnh, trách nhiệm. Chẳng hạn như, các Đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị, yêu cầu các cơ quan liên quan giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan đến một dự án luật, để có thể quyết định chính sách ở tầm cao, tầm bao quát.
Vận động hành lang không hẳn đã là tốt, tôi không hoàn toàn đồng tình với chuyện đó.
+ Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Nguyễn Hường (Thực hiện)