Không nên quy định cứng tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn

Sáng ngày 18/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng thuận về việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% và kiến nghị nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn.

Các đại biểu tại phiên họp.

Các đại biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương bày tỏ đồng thuận cao với việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%. Đại biểu cho hay, việc luật hóa và duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% thể hiện sự ưu việt của chế độ chủ nghĩa xã hội. Kinh phí công đoàn được sử dụng tại công đoàn cơ sở là chủ yếu để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) kế thừa và giữ nguyên đối tượng nộp và mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành. Theo Đại biểu, việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động.

Trao đổi về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng tán thành với quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đại biểu Nga cho rằng, đây là nội dung đã thực hiện ổn định, lâu dài, không phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế.

Để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở - nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% mà chỉ nên quy định đó là tỷ lệ tối thiểu và tỷ lệ tối đa.

Cũng bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Phi Thường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, việc tiếp tục duy trì kinh phí công đoàn 2% là phù hợp. Theo Đại biểu, quy định này là điều kiện tiên quyết để công đoàn chủ động, độc lập hơn trong tổ chức và hoạt động tại cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường đồng thuận với phương án giao cho Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính Công đoàn. Theo Đại biểu, quy định này sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài chính công đoàn minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh thất thoát, lãng phí. Do đó, Đại biểu đề nghị nêu rõ trong dự luật về việc thống nhất quản lý nhà nước về thu, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, gồm cả kinh phí và đoàn phí công đoàn.

Trước đó, tại tờ trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phương án phân chia kinh phí công đoàn cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được đề xuất theo 2 phương án. Phương án 1 là tại những nơi đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, kinh phí công đoàn được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp) theo quy định của Chính phủ. Phương án 2 là quy định cụ thể các phương án và tỷ lệ phân chia kinh phí công đoàn cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Theo phương án 1, Chính phủ chỉ cần quy định việc phân phối kinh phí công đoàn cho những nơi (doanh nghiệp) đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và cấp phép hoạt động hợp pháp. Trong khi đó việc ra đời và hoạt động của tổ chức này là vấn đề mới, chưa có thực tiễn, vì vậy Tổng Liên đoàn đề nghị chọn phương án 1.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/khong-nen-quy-dinh-cung-ty-le-phan-bo-kinh-phi-cong-doan.html
Zalo