Tuyển sinh ĐH năm 2025: Không nên chọn ngành theo trào lưu
Chọn ngành nào để khi ra trường có việc làm luôn là câu hỏi khó. Trước mùa tuyển sinh, cán bộ tư vấn tuyển sinh của các trường ĐH đều có các giải đáp.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, kết quả kì thi riêng như thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy… đang được các trường ĐH lựa chọn để đưa vào dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2025.
Năm nay là năm đầu tiên thí sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình phổ thông 2018, nên kì thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội có điều chỉnh. Năm 2024 trở về trước có 3 phần bắt buộc, năm nay chỉ còn 2 phần và bổ sung thêm phần tự chọn. Ông Thảo khuyên thí sinh tìm hiểu kĩ thông tin đề án tuyển sinh của các trường để đưa ra quyết định phù hợp.
![Sinh viên Trường ĐH Ngoại thương tốt nghiệp năm 2024. Ảnh: NGHIÊM HUÊ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_17_20_51492080/775ff649da0733596a16.jpg)
Sinh viên Trường ĐH Ngoại thương tốt nghiệp năm 2024. Ảnh: NGHIÊM HUÊ
Trung tâm Khảo thí đã thống kê khoảng 150.000 tài khoản đã mở trên hệ thống để chuẩn bị cho việc đăng kí đợt thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội đã lựa chọn đơn vị cung cấp hạ tầng internet ở mức cao nhất để hạn chế các tác động không mong muốn tới thí sinh trong quá trình đăng kí, dự thi.
Trung tâm yêu cầu thí sinh phải đăng kí số điện thoại để nhận mã OTP khi đăng kí, tránh tình huống thí sinh lập tài khoản đăng kí ca thi để giữ chỗ mà không nộp lệ phí.
Nên chọn ngành có nhiều dư địa
PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho hay, thống kê của Bộ GD&ĐT những năm qua cho thấy, trong tuyển sinh, đào tạo ĐH, ngành kinh doanh và quản lí chiếm tỉ trọng lớn; tỉ trọng ngành Khoa học, công nghệ tăng lên theo từng năm. Về chọn ngành học, PGS. Hương cho rằng, trong bối cảnh thay đổi liên tục với nhiều yếu tố không lường trước, nên thí sinh cần chuẩn bị sự thích ứng.
“Thí sinh phải nuôi dưỡng khả năng học tập suốt đời. Khi học ĐH, thí sinh chuẩn bị hành trang tiếp cận ngành nghề diện rộng, đảm bảo đi theo mong muốn sở thích, dễ dàng thích ứng với sự thay đổi và linh hoạt khi có cơ hội đến”, bà Hương nói.
Thí sinh cần tìm hiểu môi trường học tập phù hợp. Khi đăng kí nguyện vọng, nên tập trung vào những ngành, trường yêu thích đăng kí với những phương thức phù hợp. Thực tế những năm qua, nhiều thí sinh trúng tuyển không đúng nguyện vọng mong muốn. Vì vậy, thí sinh cần có một lựa chọn an toàn cho bản thân.
GS. Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ, chọn ngành nghề dựa theo 3 yếu tố: mong muốn của bản thân, mong muốn của phụ huynh, trào lưu từng năm. Khi thí sinh đưa ra quyết định sẽ bị chi phối bởi nhiều yếu tố. GS. Thảo cho rằng, niềm tin, tình yêu sẽ tạo động lực để mỗi người tiếp tục bước đi, nếu chọn theo trào lưu thì rất dễ dừng lại khi gặp khó khăn.