Không khí chuẩn bị Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Huyện Lệ Thủy, Quảng Bình đang rộn ràng không khí tập luyện bơi, đua cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn.

Những ngày này, trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp rộn ràng không khí chuẩn bị các hoạt động Chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19-8-1945 – 19-8-2024) và Ngày Quốc khánh (2-9-1945 – 2-9-2024).

Đua thuyền trên sông Kiến Giang

Đáng chú ý nhất trong dịp này là Lễ hội đua bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, được tổ chức vào ngày 2-9.

Lễ hội này từ lâu đã trở thành một hoạt động mang nét đẹp truyền thống, văn hóa của người dân quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày Tết Độc lập. Đây không chỉ là sân chơi lành mạnh, đậm chất dân gian, giàu tính cộng đồng, mà còn là dịp để quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Lệ Thủy với bạn bè trong và ngoài nước.

 Không khí tập luyện rộn ràng trên sông Kiến Giang chuẩn bị cho Ngày Tết Độc lập. Ảnh: T.HIẾU

Không khí tập luyện rộn ràng trên sông Kiến Giang chuẩn bị cho Ngày Tết Độc lập. Ảnh: T.HIẾU

Ghi nhận của PLO, công tác chuẩn bị cho lễ hội được các thôn, xã, thị trấn chuẩn bị cả tháng trời. Từ đầu tháng 8, các đơn vị tham gia lễ hội đua thuyền bắt đầu tất bật khâu đóng thuyền mới, sửa sang lại thuyền cũ.

Cùng với đó là việc chọn trai, gái vận động viên để tổ chức kiểm tra sức khỏe và luyện tập hết sức bài bản, chuyên nghiệp.

“Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là một lễ hội mang nét văn hóa truyền thống rất đặc trưng của người dân nơi đây. Để đến với ngày thi đấu chính thức vào ngày 2-9 thì công tác chuẩn bị cùng việc tập luyện của các thuyền bơi nam và thuyền đua nữ phải mất cả tháng trời.

Tiếp đó là những cuộc đọ sức ở các giải đua thuyền cấp xã, đến tổ chức bơi phân loại 24 thuyền bơi toàn huyện vào ngày 30-8 rồi mới đến thi đấu chung kết vào ngày 2-9” - ông Hoàng Đình Cương, Trưởng thôn Đông Thành, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết.

 Đông đảo người dân đi dọc hai bên bờ Kiến Giang để cổ vũ cho các thuyền bơi đang tập luyện. Ảnh: B.THIÊN

Đông đảo người dân đi dọc hai bên bờ Kiến Giang để cổ vũ cho các thuyền bơi đang tập luyện. Ảnh: B.THIÊN

Ở huyện Lệ Thủy, thuyền bơi nam gọi là đò bơi nam, thuyền bơi nữ gọi là đò đua nữ. Đò bơi nam có khoảng 30-32 người, ngồi chầm với mái chèo ngắn. Đò đua nữ 16 người, đứng chèo với mái chèo dài.

Quảng đường thi đấu, tranh tài có tổng chiều dài 24 km đối với đò bơi nam và 18 km đối với đò đua nữ. Do đó, trai bơi, gái đua được tuyển chọn tham gia lễ hội đều là những người khỏe mạnh, có độ bền và dẻo dai.

Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn

Lệ Thủy vào dịp này không chỉ rộn ràng với lễ hội đua bơi thuyền truyền thống mà hầu như ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện này đều tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao như: Thi đấu bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ, thi đối đáp hò khoan Lệ Thủy…

Song song với đó là nhiều nghi thức văn hóa tâm linh, báo công, báo hiếu với gia tộc tổ tiên, giáo dục truyền thống cách mạng cũng được người dân địa phương tổ chức vào dịp này.

 Con cháu họ Hoàng Đình cùng nhau dọn dẹp, sơn sửa lại nhà thờ họ tộc đón Tết Độc lập. Ảnh: B.THIÊN

Con cháu họ Hoàng Đình cùng nhau dọn dẹp, sơn sửa lại nhà thờ họ tộc đón Tết Độc lập. Ảnh: B.THIÊN

“Đối với con em người Lệ Thủy thì đây là dịp để hội tụ, vừa thăm gia đình, xem bơi đua, bóng đá, bóng chuyền nhưng cũng vừa là dịp để báo công, báo hiếu trong gia tộc, tổ tiên. Các buổi giỗ chạp tại các nhà thờ họ vào dịp này cũng được tổ chức lớn hơn so với các dịp trong năm để đón con, cháu làm ăn xa về quê chơi lễ.

Con, cháu sinh sống và làm việc ở địa phương vào dịp này cũng thường tranh thủ dọn dẹp, sơn sửa, chỉnh trang lại nhà thờ họ tộc được khang trang đón Tết độc lập”, ông Hoàng Đình Vẽ, Trưởng họ Hoàng Đình chia sẻ.

Theo UBND huyện Lệ Thủy, địa phương đã xây dựng kế hoạch bao gồm nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 như: Dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Mai Thủy, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thăm các lão thành cách mạng; tổ chức giải bóng chuyền nam, nữ toàn huyện (từ ngày 19-8 đến ngày 29-8); tổ chức hội Bài chòi (từ ngày 24-8 đến ngày 1-9); tổ chức hội chợ thương mại (từ ngày 26-8 đến ngày 5-9); tổ chức Chương trình nghệ thuật (tối ngày 31-8).

Một số hình ảnh do PLO ghi nhận tại huyện Lệ Thủy:

 Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lễ hội đua bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang được tổ chức thường niên hằng năm vào ngày Tết độc lập 2-9.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lễ hội đua bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang được tổ chức thường niên hằng năm vào ngày Tết độc lập 2-9.

 Các thuyền bơi nam tích cực cọ xát trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho ngày thi đấu chính thức. Ảnh: B.THIÊN

Các thuyền bơi nam tích cực cọ xát trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho ngày thi đấu chính thức. Ảnh: B.THIÊN

 Giải bóng chuyền nam xã Hồng Thủy chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 vừa được tổ chức. Ảnh: BCLT

Giải bóng chuyền nam xã Hồng Thủy chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 vừa được tổ chức. Ảnh: BCLT

 Danh sách ủng hộ thuyền bơi của bà con nhân dân thôn Đông Thành, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy. Ảnh: B.THIÊN

Danh sách ủng hộ thuyền bơi của bà con nhân dân thôn Đông Thành, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy. Ảnh: B.THIÊN

 Lễ hội không chỉ là sân chơi lành mạnh, đậm chất dân gian, giàu tính cộng đồng, mà còn là dịp quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Lệ Thủy với bạn bè trong và ngoài nước. Ảnh: B.THIÊN

Lễ hội không chỉ là sân chơi lành mạnh, đậm chất dân gian, giàu tính cộng đồng, mà còn là dịp quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Lệ Thủy với bạn bè trong và ngoài nước. Ảnh: B.THIÊN

BẢO THIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/khong-khi-chuan-bi-tet-doc-lap-tren-que-huong-dai-tuong-vo-nguyen-giap-post805799.html
Zalo