Không hiếm vụ va chạm với chim, vì sao tai nạn của Jeju Air thảm khốc?
Giới chức Hàn Quốc có thể mất tới nhiều tháng để làm sáng tỏ nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Jeju Air hôm 29/12, khi các điều tra viên phải xem xét hàng loạt khía cạnh.
Chuyến bay mang số hiệu 7C2216 của Jeju Air chở 181 người gặp sự cố tại sân bay Muan, Hàn Quốc hôm 29/12. Đoạn video ghi lại thời điểm xảy ra thảm kịch cho thấy chiếc máy bay đáp bằng bụng, trượt dọc theo đường băng với tốc độ cao rồi đâm vào rào chắn và bốc cháy. Chỉ có duy nhất 2 nạn nhân - một tiếp viên nam và một tiếp viên nữ - còn sống sót.
Theo New York Times, đối với các chuyên gia, đoạn video này đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Tại sao bánh đáp không hạ xuống? Có hệ thống nào gặp trục trặc?
Giới chức có thể mất tới nhiều tháng để điều tra nghiêm ngặt và xác định nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn. Các chuyên gia nhận định các điều tra viên sẽ tập trung vào một loạt vấn đề khác nhau, như phi công đã làm và đã nói gì, tại sao các quy trình và cơ chế điển hình khi máy bay hạ cánh lại thất bại, điều kiện thời tiết ra sao và hãng hàng không có bảo dưỡng máy bay đúng cách không.
“Đây thực sự là một bí ẩn chưa có lời giải vào thời điểm này”, Shawn Pruchnicki - chuyên gia về an toàn hàng không và giáo sư tại Đại học Ohio State - nói.
Kết hợp nhiều yếu tố
Các chuyên gia về tai nạn máy bay cảnh báo không nên vội vàng đưa ra kết luận cho đến khi xem xét thêm bằng chứng. Họ cho biết thông tin phát tán trong những ngày sau sự cố thường nhỏ giọt, thậm chí không chính xác. Các giả thuyết ban đầu có thể bị bác bỏ sau đó. Các vụ tai nạn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, và tất cả sẽ không sáng tỏ cùng một lúc.
“Ngành hàng không được xây dựng dựa trên nhiều kịch bản dự phòng và rất ít khi xảy ra lỗi đơn lẻ trong thiết kế hoặc hoạt động của máy bay. Khả năng cao (vụ tai nạn) là sự kết hợp của nhiều yếu tố”, Jeff Guzzetti - cựu điều tra viên của Cục Hàng không Liên bang và Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ - cho hay.
Giới chức Hàn Quốc cho biết họ đã thu thập hộp đen của máy bay, chứa nhiều dữ liệu và bản ghi âm quan trọng giúp tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Theo các chuyên gia, hộp đen cùng các bằng chứng khác từ hiện trường sẽ làm rõ thêm những hành động và lời nói của phi công trước vụ tai nạn và liệu có hệ thống nào gặp trục trặc không.
Khi bánh đáp của máy bay không hạ trong quá trình hạ cánh, như trường hợp của máy bay Jeju Air hôm 29/12, các phi công sẽ nhận được cảnh báo. Dòng máy bay liên quan tới vụ tai nạn, Boeing 737-800, được trang bị hệ thống dự phòng cho phép phi công nhả bánh đáp thủ công bằng tay nếu cần. Tuy nhiên, các phi công có thể đã nghĩ tới trường hợp khác, theo John Cox - người sáng lập công ty an toàn hàng không Safety Operating Systems.
"Vấn đề cấp bách nhất là gì? Nếu là kiểm soát máy bay, thì mọi thứ khác phải xếp sau", ông Cox nói.
Những câu hỏi bỏ ngỏ
Đoạn video về vụ tai nạn cũng đặt ra nhiều câu hỏi khác. Ông Pruchnicki cho biết bộ đảo chiều lực đẩy, thiết bị dùng để giảm tốc máy bay khi hạ cánh, dường như chỉ hoạt động trên một động cơ. Nếu là thật, dấu hiệu này rất bất thường. Các cánh cản và cánh tà trên cánh máy bay, có chức năng tương tự, cũng không mở rộng như bình thường.
Bánh đáp rất quan trọng, nhưng máy bay đã hạ cánh an toàn với bánh đáp bị trục trặc. Các chuyên gia nhấn mạnh nếu chiếc máy bay hôm 29/12 không đâm vào rào chắn ở cuối đường băng, có thể số người chết sẽ không cao tới vậy.
Ngoài việc tìm hiểu tại sao không có bánh đáp, giới chức Hàn Quốc đang điều tra về khả năng bao nhiêu con chim đâm vào máy bay, có phải một trong những yếu tố dẫn tới vụ tai nạn không. Những vụ va chạm với chim không hiếm trong ngành hàng không, nhưng ít khi gây thảm họa khủng khiếp như hôm 29/12.
Nếu một động cơ bị hỏng, máy bay vẫn có thể hạ cánh bằng động cơ còn lại. Nhưng theo ông Cox, nếu cả hai động cơ ngừng hoạt động, các phi công sẽ phải nhanh chóng đưa máy bay xuống. Còn ông Guzzetti nhắc tới khả năng các phi công đã tìm cách chưa hạ cánh vội, khi xem xét tốc độ di chuyển của máy bay và lý do một số cơ chế hạ cánh an toàn không được áp dụng.
Nhiều yếu tố khác cũng có thể góp phần dẫn tới thảm kịch, như bảo dưỡng máy bay chưa đủ hoặc chưa đúng cách. Chiếc máy bay đã 15 năm tuổi, con số bình thường với một máy bay chở khách. Các điều tra viên sẽ tìm hiểu hồ sơ liệu hãng hàng không có bảo dưỡng thường xuyên, kỹ lưỡng và toàn diện máy bay này hay không.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân vụ tai nạn ít khả năng đến từ thiết kế của máy bay. Suốt nhiều năm, 737-800 là dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing nhờ phù hợp với nhiều chặng bay và là phương tiện chủ lực của các hãng hàng không giá rẻ bởi cho phép vận chuyển nhiều hành khách cùng lúc - từ khoảng 160-190 người, tùy thuộc vào cấu hình chỗ ngồi.
737-800 cũng có lịch sử an toàn bay. Dòng máy này đã hoạt động được hơn 25 năm, với hàng nghìn chiếc đang được lưu hành khắp thế giới, theo công ty dữ liệu hàng không Cirium.