Cách tăng hy vọng sống sót trong '11 phút sinh tử' của chuyến bay
Máy bay Jeju Air gặp nạn tại sân bay Hàn Quốc ngày 29/12/2024 phát nổ trong cái gọi là '11 phút sinh tử' của ngành hàng không - 3 phút sau khi cất cánh và 8 phút trước khi hạ cánh.
Vụ nổ máy bay ngày 29/12/2024 được xem là một trong những thảm họa hàng không khiến nhiều người thiệt mạng nhất lịch sử Hàn Quốc. Dù tính từ thập kỷ 80, số người thiệt mạng trong vụ tai nạn này cũng đứng hàng đầu.
Máy bay chở 175 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn. Tổng cộng có 179 người thiệt mạng sau tai nạn, 2 người sống sót đang được điều trị tại bệnh viện. Thảm kịch xảy ra khi phi công cố gắng hạ cánh bằng bụng máy bay để rồi trượt khỏi đường băng, đâm vào tường dày và phát nổ.
11 phút sinh tử
Các chuyên gia hàng không thường nhấn mạnh "11 phút sinh tử" - 3 phút sau khi cất cánh và 8 phút trước khi hạ cánh - là thời gian nguy hiểm nhất trong chuyến bay. Vụ tai nạn của Jeju Air, xảy ra trong quá trình hạ cánh tại Sân bay quốc tế Muan, thuộc loại này.
Trước đó, Hàn Quốc cũng ghi nhận nhiều vụ tai nạn xảy ra trong 11 phút nguy hiểm.
Vụ tai nạn lớn gần đây nhất xảy ra vào tháng 7/2013, khi máy bay của hãng hàng không Asiana Airlines rơi xuống Sân bay quốc tế San Francisco, khiến hai hành khách thiệt mạng và 181 người bị thương.
Sự cố thảm khốc khác là tai nạn máy bay Korea Air Flight 801 ở Guam vào tháng 8/1997, cướp đi sinh mạng của 225 người. Chiếc máy gặp nạn khi phi công cố hạ cánh tại sân bay quốc tế Guam, đâm vào khu rừng gần đó.
Trước vụ tai nạn của hãng hàng không Jeju Air, vụ tai nạn hàng không tồi tệ nhất trên đất Hàn Quốc xảy ra vào tháng 4/2002, khi máy bay chở khách của Trung Quốc đang cố hạ cánh tại Sân bay Gimhae và đâm vào ngọn núi gần đó. 129 trong số 167 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Nguyên tắc an toàn
Giáo sư Ed Galea của Đại học Greenwich (Anh đã dành hơn 25 năm để phân tích cách con người phản ứng trong các trường hợp khẩn cấp. Ông cho biết những giây trước khi va chạm là nguy hiểm nhất.
"Bạn phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình", Galea nói. "Nếu bạn biết mình cần làm gì, bạn sẽ có cơ hội sống sót cao hơn".
Nguyên tắc hàng đầu là ngồi càng gần lối thoát hiểm càng tốt.
GS Galea đã nghiên cứu sơ đồ chỗ ngồi của hơn 100 vụ tai nạn máy bay và phỏng vấn hàng chục người sống sót. Ông phát hiện những người sống sót di chuyển trung bình 5 hàng ghế trước khi an toàn thoát khỏi máy bay đang bốc cháy. GS nói thêm những chỗ ngồi ở phía sau máy bay và chỗ ngồi ở lối đi thường an toàn hơn.
"Nếu bạn chưa nghĩ về những gì bạn có thể làm và chuẩn bị, mọi thứ sẽ trở nên quá sức và bạn sẽ dừng lại", Galea nói. "Bạn có thể chuẩn bị để phản ứng phù hợp trong các tình huống khẩn cấp".
Những người đi máy bay cũng cần dành thời gian chuẩn bị ứng phó khi va chạm.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một vụ tai nạn giả định với chiếc Boeing 727 vào năm 2012 tại sa mạc Sonoran. Máy bay được thiết kế để va chạm với người tham gia là các phi hành đoàn gan dạ. Khi máy bay sắp bị xé toạc, phi công sẽ nhảy ra từ cửa sập ở phía sau.
Trong vụ va chạm đầu tiên ở mũi máy bay, hành khách ở gần phía trước chịu tác động nặng nề nhất. Hàng ghế từ một đến bảy có ghế "chết người", và ghế 7A văng khỏi máy bay.
Vụ tai nạn được dàn dựng như một phần của chương trình Curiosity Plane Crash (Tạm dịch: Tai nạn máy bay Curiosity) của Discovery Channel, là kết quả của 4 năm lập kế hoạch và tham vấn về những gì sẽ xảy ra với hành khách khi máy bay rơi.
Bài kiểm tra cho thấy những khía cạnh khác của các vụ tai nạn máy bay. Những mảnh vỡ khổng lồ có thể gây tử vong cho bất kỳ hành khách nào ngồi đối diện. Việc có thể thoát ra khỏi máy bay nhanh chóng là rất quan trọng. Nhìn chung, ngồi trong phạm vi năm hàng ghế cách cửa thoát hiểm sẽ mang lại cho hành khách cơ hội tốt nhất.
Ngoài ra, việc ghi nhớ một công thức toán học đơn giản - cộng ba, trừ tám - có thể tăng khả năng sống sót của hành khách trong trường hợp máy bay rơi bất ngờ.