Không gian nghệ thuật đậm chất dân gian tại Hồ Văn
Những ngày đầu Xuân 2025, không gian nghệ thuật tại Hồ Văn thuộc quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã trở thành điểm đến hấp dẫn với công chúng yêu thích văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là những dòng tranh dân gian đặc sắc đã có sự hòa sắc qua sự kết hợp tinh tế với các chất liệu khác tạo nên sức sống mới.
Cầu nối mang đến điểm nhấn về dòng tranh dân gian đậm sắc màu văn hóa truyền thống chính là Dự án Magic of Color (MOC) được sáng lập bởi chị Nguyễn Thị Hữu. Với đam mê, tâm huyết, dự án đã mang đến một không gian sáng tạo, nơi giao thoa giữa nghệ thuật truyền thống và hơi thở của thời đại mới.
MOC ra đời trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, khi các hoạt động văn hóa truyền thống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thay vì bị động, nhóm sáng lập đã chuyển hướng sáng tạo, quyết định mang những dòng tranh dân gian Việt Nam vào cuộc sống hiện đại thông qua các hoạt động trải nghiệm, làm mới các sản phẩm truyền thống và kết nối người trẻ với di sản văn hóa. Dự án này không chỉ đơn thuần là sự tái hiện các bức tranh, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Điểm nhấn của dự án tập trung và ba dòng tranh dân gian nổi bật của Việt Nam: tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng. Đây đều là những dòng tinh hoa từ lâu đã gắn bó mật thiết với đời sống của người dân Việt Nam, phản ánh sinh động các giá trị văn hóa, lịch sử và phong tục tập quán của dân tộc. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, nhiều giá trị trong số đó đã dần bị lãng quên hoặc khó có thể tiếp cận với thế hệ trẻ, với du khách quốc tế.
Qua những sản phẩm của MOC, mỗi người sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của văn hóa Việt, sẽ thấy được giá trị của những món đồ thủ công tinh tế để hiểu hơn về sự khéo léo, tài hoa và tâm hồn dung dị của những nghệ nhân. MOC không đặt nặng tính thương mại mà mở ra hành trình kết nối con người với văn hóa, với lịch sử và với những giá trị truyền thống vô giá của dân tộc.
Để bắt nhịp, đội ngũ sáng tạo đã tìm cách truyền tải các giá trị truyền thống một cách mới mẻ, sinh động. Các tác phẩm tranh dân gian được ứng dụng vào những sản phẩm đời sống như đèn lồng, túi xách, cốc, thiệp, móc khóa, hộp bút… Những món đồ này không chỉ đơn thuần là vật dụng mà còn mang đậm bản sắc văn hóa Việt, giúp cho các thế hệ trẻ yêu thích và dễ dàng tiếp cận hơn.
Mùa xuân luôn gắn liền với sự tươi mới, khởi đầu mới và những mong ước tốt đẹp. Đây là thời điểm mà MOC càng tích cực tổ chức các hoạt động giúp cộng đồng có cơ hội trải nghiệm văn hóa một cách gần gũi, chân thật.
Các workshop, tour làng nghề, giao lưu với nghệ nhân… luôn thu hút đông đảo người tham gia. Những hoạt động này không chỉ giúp người tham gia hiểu sâu hơn về nghề thủ công truyền thống mà còn kích thích sự sáng tạo, kết nối giữa những người yêu nghệ thuật với các nghệ nhân tài hoa.
Bằng các hoạt động này, dự án vừa giới thiệu nghệ thuật dân gian vừa tạo ra không gian giao lưu văn hóa, giúp bảo tồn các giá trị nghệ thuật lâu dài và giữ gìn sự đa dạng văn hóa của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Một trong những yếu tố cốt lõi làm nên thành công của dự án chính là sự hợp tác chặt chẽ với các nghệ nhân ưu tú trong các dòng tranh dân gian, từ Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế (tranh Đông Hồ), Nghệ nhân Lê Đình Nghiên (tranh Hàng Trống), Nghệ nhân Đào Đình Trung (tranh Kim Hoàng)... cho đến các họa sĩ trẻ. Họ không chỉ là người bảo tồn di sản mà còn là những người tiếp nối và phát triển giá trị truyền thống qua thế hệ.
Dù "tuổi" của dự án còn khá trẻ, song đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Sự công nhận từ cộng đồng yêu văn hóa, hợp tác với các đối tác uy tín, như: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam... và dấu ấn tại các địa điểm nổi tiếng như Vincom Mega Mall Royal City, Furama Resort Da Nang hay các cơ quan truyền thông lớn như VTV, Vietnamnet đã giúp MOC nâng cao giá trị và sức ảnh hưởng.
Khi bắt đầu hành trình, chúng tôi chỉ có một ước mơ giản dị: mang lại giá trị cho những sắc màu dân gian - những món quà vô giá mà cha ông đã trao cho chúng ta qua bao thế hệ. Nhưng trong nhịp sống hiện đại, chúng ta đều có thể nhận thấy những giá trị ấy đang dần bị lãng quên và cần thiết phải tạo ra một cầu nối tới thế hệ trẻ và vươn tầm quốc tế.
Chị Nguyễn Thị Hữu - người sáng lập Dự án Magic of Color
"Tôi luôn tin rằng, trong mỗi sắc màu của tranh dân gian, có chứa đựng một phần vẻ đẹp tâm hồn và tình yêu đối với đất nước, con người Việt Nam. Mỗi sản phẩm mang đến câu chuyện, một lời sự tri ân với các nghệ nhân tài hoa, những người đã gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống ấy. Chúng tôi luôn cảm thấy vô cùng tự hào khi được hợp tác với những nghệ nhân và những người đã và đang đóng góp không nhỏ vào việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc", chị Nguyễn Thị Hữu xúc động bày tỏ.
Thành công này không chỉ đến từ chất lượng sản phẩm mà còn ở những giá trị tinh thần sâu sắc được truyền tải. Mùa xuân 2025, tại không gian Hồ Văn và nhiều không gian khác, dự án tiếp tục duy trì những thành tựu này, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tới cộng đồng quốc tế, với những khách du lịch và người nước ngoài mong muốn tìm hiểu về văn hóa và nghệ thuật Việt Nam.
Với Slogan "Sắc màu dân gian vượt thời gian", MOC đã thể hiện rõ triết lý phát triển bền vững, vừa giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa, vừa trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những giá trị truyền thống và sự sáng tạo trong xã hội hiện đại.
Chủ đề "Màu dân tộc", "Màu ký ức" của MOC xoay quanh ba dòng tranh dân gian tiêu biểu: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống và tranh Kim Hoàng. Các thành viên trong nhóm dự án không chỉ tìm hiểu và học hỏi các nghệ nhân lâu năm mà còn sáng tạo những sản phẩm mới mẻ, từ tranh vẽ trên gốm, đèn lồng đến các đồ vật mang tính ứng dụng như túi tote, cốc, bình giữ nhiệt...
Tại Hồ Văn, không gian nghệ thuật này thu hút đông đảo du khách trong nước và ngoài nước tham gia mua sắm, trải nghiệm, giao lưu, tìm hiểu sâu về các dòng tranh dân gian Việt Nam. MOC đặc biệt chú trọng đến việc kết hợp nghệ thuật truyền thống với các sản phẩm tiêu dùng hiện đại. Các sản phẩm, như: móc khóa, tranh để bàn, hộp đựng bút, đèn... mang đậm phong cách tranh dân gian là những món quà lưu niệm ý nghĩa mà du khách có thể mang về.
Dấu ấn của dự án vừa đến từ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc vừa việc tạo ra một môi trường kết nối giữa các thế hệ. Các nghệ nhân giàu kinh nghiệm đã chia sẻ những bí quyết, kỹ thuật làm tranh truyền thống, đồng thời truyền cảm hứng sáng tạo cho lớp trẻ.
Các bạn trẻ khi tham gia dự án, với tư duy sáng tạo không giới hạn, đã góp phần làm sống lại các dòng tranh dân gian tưởng chừng như bị lãng quên, như tranh Kim Hoàng, đưa chúng vào các chương trình trải nghiệm và tạo ra những sản phẩm độc bản, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Trong dòng chảy văn hóa đậm đà với những sắc mầu tươi vui tại Hồ Văn còn diễn ra triển lãm ảnh "Việt Nam quê hương tôi" mang đến cho du khách cơ hội khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đất nước qua những khoảnh khắc ấn tượng từ 50 tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc. Triển lãm tiếp tục nhịp kết nối giữa di sản văn hóa truyền thống và xu hướng sáng tạo đương đại mà MOC luôn theo đuổi.
Các tác phẩm nhiếp ảnh đã giành giải thưởng Di sản Việt Nam trong giai đoạn 2012-2018, ghi lại những cảnh sắc tuyệt vời của núi rừng, biển cả, đồng quê thanh bình và cuộc sống lao động... Qua những góc nhìn độc đáo và sáng tạo, những bức ảnh không chỉ là hình ảnh, mà còn là lời kể về những câu chuyện văn hóa đặc trưng, những nét đẹp từ làng quê cho đến những phong tục tập quán, tạo nên một bức tranh tổng thể về đất nước Việt Nam giàu bản sắc và đầy tự hào.
Đặc biệt ở triển lãm còn là việc sử dụng chất liệu in đặc biệt - giấy vải Nano Airpurity, thân thiện với môi trường và có khả năng kháng khuẩn, thanh lọc không khí.