Không gian huy hoàng cổ xưa bao trùm thành phố Venice

Chỉ ít ngày nữa, thành phố Venice của Italia sẽ chìm đắm trong những sắc màu rực rỡ, khi lễ hội hóa trang Venice 2025 diễn ra, từ ngày 22/2 đến ngày 4/3. Không khí rộn ràng, tưng bừng sẽ bao trùm khắp con con phố, bến tàu, quảng trường trung tâm St. Mark với hàng nghìn người mặc những bộ đồ hóa trang rực rỡ mang phong cách dạ hội cổ điển.

Người tham gia lễ hội hóa trang Venice trong những bộ trang phục nhiều màu sắc, theo phong cách dạ hội cổ điển. Ảnh: Adobe Stock

Người tham gia lễ hội hóa trang Venice trong những bộ trang phục nhiều màu sắc, theo phong cách dạ hội cổ điển. Ảnh: Adobe Stock

Lễ hội hóa trang Venice lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1296. Sau một thời gian dài gián đoạn, lễ hội được khôi phục vào năm 1980 và được tổ chức đều đặn hàng năm. Riêng năm 2021, do tình hình đại dịch Covid-19 phức tạp, lễ hội không được diễn ra. Còn năm 2020, do các lệnh hạn chế, lễ hội chỉ dành cho người dân địa phương.

Lễ hội hóa trang Venice nổi tiếng khắp thế giới với nhiều nét đặc sắc “có một không hai”. Hàng năm, lễ hội thu hút hàng triệu lượt du khách, trở thành điểm nhấn văn hóa nổi bật của thành phố nổi, mộng mơ xứ Italia. Lễ hội này được thực hiện nhằm khôi phục lại những nét văn hóa truyền thống lịch sử và là cơ hội để mọi người được hóa thân thành những hình mẫu mà bản thân yêu thích, thường là những nhân vật trong truyện cổ tích hoặc là nhân vật lịch sử.

Lễ hội cũng là thời điểm quý giá để mọi người được gặp gỡ nhau, đoàn tụ, vui chơi, hòa theo những điệu nhạc, những màn khiêu vũ truyền thông, từ đó ca ngợi lịch sử hình thành của một quốc gia bình yên, phồn vinh, một xã hội công bằng, ổn định, cũng như khích lệ tinh thần yêu nước của mỗi người dân.

Lễ hội hóa trang Venice hàng năm được tổ chức giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng, nổi bật với người dân địa phương và du khách trong những bộ trang phục cùng mặt nạ độc đáo, rực rỡ sắc màu. Các hoạt động diễu hành, hòa nhạc cũng tạo nên không gian văn hóa, nghệ thuật truyền thống phong phú, bao trùm cả thành phố Venice xinh đẹp. Xuyên suốt hơn một tuần lễ hội chính thức, cả thành phố Venice dường như sống trong âm nhạc và màu sắc rực rỡ khắp các con phố, với dòng người tấp nập, diện những bộ trang phục hóa trang sặc sỡ, lộng lẫy theo phong cách dạ hội cổ điển. Điểm nhấn trong những bộ trang phục diêm dúa này là chiếc mặt nạ, mũ lông, tóc giả, cùng các phụ kiện trang sức đặc biệt.

Trong đó, mặt nạ là phụ kiện nổi bật nhất, thể hiện rõ nét cá tính của mỗi người hóa trang, cũng như là nét đặc trưng nhất của lễ hội hóa trang Venice. Theo thông lệ, những chiếc mặt nạ hóa trang được làm bằng da hoặc giấy bồi theo phương pháp kỹ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, những chiếc mặt nạ cũng được làm bằng một số vật liệu hiện đại như thạch cao, vàng lá, đều được thực hiện theo phương pháp thủ công, điểm thêm các chi tiết trang trí bằng lông chim, đá quý... Những chiếc mặt nạ nói riêng và trang phục hóa trang nói chung làm xóa nhòa sự khác biệt về tầng lớp trong xã hội, ranh giới giàu nghèo, xóa bỏ khoảng cách tuổi tác, giới tính.

Hàng năm và thời điểm lễ hội, Venice trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới cho du khách. Tại đây, du khách có thể tham gia các cuộc thi mặt nạ với cơ hội trở thành người có mặt nạ đẹp nhất lễ hội. Những người dự thi sẽ mặc đồ hóa trang và đeo mặt nạ diễu hành qua nhiều con phố, hoặc trình diễn trên sân khấu.

Bên cạnh bầu không gian truyền thống được tạo nên bởi những tài năng địa phương, điểm nhấn nổi bật nhất là lễ hội đường phố với sự góp mặt của các nghệ sĩ quốc tế xuất sắc nhất biểu diễn âm nhạc, xiếc và hề.

Ngoài ra, lễ hội hóa trang Venice còn đặc biệt ấn tượng với nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Du khách hòa chung với người dân địa phương mua sắm tại các khu chợ, thưởng thức những màn diễu hành hoành tráng, các tiết mục biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật đậm tính bản sắc truyền thống... Cùng với đó, nhiều bữa tiệc riêng tư và vũ hội hóa trang diễn ra trong các cung điện xinh đẹp cũng mang lại không gian huy hoàng cổ xưa bao trùm khắp thành phố.

Theo truyền thông Italia, lễ hội hóa trang Venice thường diễn ra trước khi bắt đầu 40 ngày khắc khổ của mùa Chay hàng năm. Tên gọi của lễ hội được cho là bắt nguồn từ tiếng Latinh thời Trung Cổ “carnem levare” hoặc “carnelevarium”, có nghĩa là loại bỏ thịt.

Như Quỳnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khong-gian-huy-hoang-co-xua-bao-trum-thanh-pho-venice-post486520.html
Zalo