Không dùng ngữ liệu sách giáo khoa để ra đề văn: Tránh ra đề tùy tiện

Nhiều giáo viên ủng hộ yêu cầu của Bộ GD&ĐT không dùng ngữ liệu sách giáo khoa để ra đề văn nhưng cũng nhấn mạnh việc ra đề không được tùy tiện, dài dòng.

Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025. Trong đó, Bộ GD&ĐT có lưu ý một số vấn đề về kiểm tra môn Ngữ văn.

Theo đó, đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ, nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Ngoài ra, việc đánh giá phải phù hợp với kế hoạch dạy học; tăng cường thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập.

Nhiều giáo viên ủng hộ với chủ trương này và cho rằng, đã áp dụng từ 2-3 năm nay. Cô giáo Đinh Thị Thủy tốt nghiệp Thạc sĩ Ngữ văn chuyên ngành Lý luận Văn học cho hay, không dùng ngữ liệu SGK sẽ cởi trói tư duy lệ thuộc, không còn thói quen đoán đề, bói đề như trước nữa. Học sinh được khích lệ tính chủ động trong kiến giải các vấn đề đặt ra trong tác phẩm cũng như trong đời sống. Tính khả thi của cách thức kiểm tra này hoàn toàn có cơ sở.”- cô Thủy nhấn mạnh.

Cô N.T.T, một giáo viên dạy Văn có tiếng ở Hà Nội chia sẻ mong muốn, chỉ mong là giữa việc dạy, việc thi sẽ thống nhất như một và đúng hướng của đổi mới. Thực tế chỉ ra rằng, có một số trường thực hiện đúng định hướng. Nhưng một số trường vẫn còn tình trạng học tủ, học mẫu.

Nhiều học sinh chia sẻ, ngữ liệu ngoài sách không bị gò bó bởi các văn bản có sẵn nên học sinh dễ phát huy được khả năng sáng tạo với giọng văn của riêng mình hơn. Với các bạn yêu thích môn Văn thì sẽ rất thích cách học nhưng có những học sinh trong lớp cảm thấy sự thay đổi như vậy khá là khó khăn.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo ngại sẽ xảy ra tình trạng chọn ngữ liệu ngoài SGK không phù hợp làm đề thi ngữ văn như ngữ liệu quá dài, học sinh mức trung bình khó khăn khi tiếp cận, đọc hiểu.

Tránh ra đề tùy tiện

Về việc dùng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, cô Đinh Thị Thủy cho rằng, khi dùng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa nhưng không có nghĩa là dùng tùy tiện. Tinh thần là ngữ liệu sử dụng ra đề thi phải có tính thẩm định, đảm bảo về chất lượng; ra đề căn cứ vào mục tiêu cần đạt của chương trình. Lấy ngữ liệu từ văn bản chính thống, có tên nhà xuất bản,...

Cô Thủy Anh, một giáo viên dạy Văn của Hà Nội cho rằng, giáo viên ra văn bản ngoài ngữ liệu sách giáo khoa, khi đó học sinh vận dụng kiến thức đã học để đọc hiểu, cảm nhận văn bản đó và trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội.

“Ngữ liệu được chọn sẽ cùng kiểu văn bản, cùng thể loại và có thể cùng đề tài hoặc cùng tác giả đã được đưa vào SGK. Đề đã có format (định dạng) chung và không khó với giáo viên. Ngữ liệu được chọn sẽ cùng kiểu văn bản, cùng thể loại và có thể cùng đề tài hoặc cùng tác giả đã được đưa vào SGK”- cô Thủy nêu.

Theo cô Thủy Anh, với một format đề như trên thì giáo viên đầu tiên lựa chọn 1 văn bản (thơ/văn xuôi) rồi xây dựng ma trận đề, sau đó đến xây dựng đề. Theo đó, 4 câu hỏi đọc hiểu (4 điểm) + 1 câu viết đoạn nghị luận văn học hoặc nghị luận xã hội từ văn bản này (2 điểm) + 1 câu viết bài nghị luận văn học hoặc nghị luận xã hội (4 điểm).

Cô Thủy Anh ví dụ: Học sinh học về thơ lục bát rồi có kỹ năng cảm nhận thơ lục bát. Đề sẽ lấy 1 bài thơ lục bát ngoài chương trình có đề tài phù hợp. Chẳng hạn lấy 1 bài thơ lục bát về mẹ. Mà thơ lục bát về mẹ rất nhiều, với đề tài và thể loại như vậy lại khu biệt vào của tác giả nào quen thuộc với học sinh. Thế là giáo viên có thể lấy bài “ Mẹ ốm” của thơ Trần Đăng Khoa. Bài thơ và tác giải phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh.

Giáo viên sau đó đưa ra các câu hỏi liên quan đến những kiến thức các con được học và kiểm tra khả năng đọc hiểu của học sinh.

“Tại sao nhà thơ Trần Đăng Khoa lại lấy tình huống mẹ ốm để bày tỏ tình cảm, cảm xúc...? Chỉ ra một biện pháp tu từ và nêu tác dụng. Như vậy, câu 1 là kỹ năng đọc hiểu; câu 2 là vận dụng kiến thức cảm thụ + đọc hiểu. Nếu nghị luận văn học là viết đoạn thì nghị luận xã hội sẽ là viết bài hoặc ngược lại”- cô Thủy chia sẻ cách ra đề.

Cũng theo cô Thủy, với cách ra như vậy, giáo viên cũng phải phát triển bản thân không ngừng. Sự tư duy khiến kỹ năng của giáo viên nhạy bén và cảm xúc nồng nàn hơn.

Theo cô Thủy Anh, học sinh cần chuẩn bị phông kiến thức văn chương rộng cũng như được bộc lộ cảm nhận riêng của mình và vận dụng cách làm để giải quyết vấn đề, triển khai những cảm nhận riêng.

“Muốn học tốt chương trình mới không có cách nào khác là phải biết cách làm, đọc nhiều để phông kiến thức văn chương rộng hơn để đảm bảo chiều rộng và chiều sâu cho bài làm của mình”- giáo viên này nói.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khong-dung-ngu-lieu-sach-giao-khoa-de-ra-de-van-tranh-ra-de-tuy-tien-post1661639.tpo
Zalo