Không đủ kiến thức và bản lĩnh, người trẻ sẽ bị mạng xã hội 'nhấn chìm'
Trên không gian mạng xã hội, nhìn chung, giới trẻ đang có nhiều hoạt động tích cực như bày tỏ tình yêu đất nước, tham gia các hoạt động cộng đồng và chia sẻ về những vấn đề cuộc sống... Tuy nhiên, đôi khi vẫn xuất hiện những hành vi thiếu chuẩn mực. Những hành vi này cần được góp ý, phê bình một cách phù hợp, không nên đẩy vấn đề đi xa bằng cách quy chụp hay suy diễn quá mức. Người trẻ cần được gia đình, nhà trường giáo dục và định hướng thay vì nhận lại sự chỉ trích nặng nề của cộng đồng.
Nhân lên những xu hướng tích cực
Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ. Không chỉ là nơi để chia sẻ thông tin và kết nối bạn bè, mạng xã hội còn trở thành một công cụ mạnh mẽ để giới trẻ thể hiện lòng yêu nước qua những hình ảnh, video và các trào lưu mang đậm tính biểu tượng.
Nhưng sự phản ứng thái quá và cực đoan của cộng đồng mạng lại phản ánh một khía cạnh khác của mạng xã hội. Hiệu ứng đám đông đang đẩy nhiều sự việc đi quá xa. Đây cũng chính là một bài học đắt giá dành cho những bạn trẻ non nớt trong suy nghĩ và hành động nông nổi trên môi trường mạng xã hội, tưởng như là ảo nhưng thực chất lại đang rất “khốc liệt”.
Những nền tảng như Facebook, TikTok đã trở thành nơi mà nhiều bạn trẻ Việt Nam chọn để bày tỏ tình yêu với đất nước. Thời điểm mừng Lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, thông qua các “trend” (xu hướng) như “Chụp ảnh với lá cờ Tổ quốc” hay “Cờ Tổ quốc ở trong mắt - Tổ quốc ở trong tim”, giới trẻ không chỉ thể hiện lòng tự hào dân tộc mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước trong cộng đồng mạng, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người xem.
Ngoài các trào lưu này, việc biến mái nhà thành hình ảnh của lá cờ Tổ quốc cũng đã thu hút sự tham gia của nhiều người trẻ. Trên TikTok, họ còn thể hiện lòng yêu nước thông qua các video biến hình dựa trên nền bài hát “Khát vọng tuổi trẻ,” tái hiện hình ảnh những anh hùng dân tộc, những người đã hy sinh vì độc lập và hòa bình của đất nước. Những video này không chỉ thể hiện sự sáng tạo mà còn là một cách để giới trẻ tri ân công lao của thế hệ đi trước.
Trên nền tảng mạng xã hội Facebook, nhiều bạn trẻ hưởng ứng trào lưu thay ảnh đại diện có hình cờ đỏ sao vàng và hastag liên quan đến ngày Quốc khánh như #ngayQuocKhanh, #QuocKhanh2Thang9, #ToiyeuToquoctoi, #TuHaoVietNam, tạo ra bầu không khí yêu nước tràn ngập các nền tảng trực tuyến.
Nhiều bạn trẻ nhận thức rằng tinh thần yêu nước không phải là đặc quyền của một thế hệ nào, mà mỗi thế hệ có cách thể hiện khác nhau. Đặng Ngọc Linh, một sinh viên ngành Báo chí (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) chia sẻ rằng: "Thế hệ trẻ ngày nay có khả năng linh hoạt và sáng tạo nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông. Điều này giúp họ bày tỏ tình yêu đất nước một cách mạnh mẽ và sáng tạo hơn so với những thế hệ trước".
Một góc nhìn khác từ bạn Nguyễn Mạnh Hiếu, sinh viên trường Đại học Văn hóa, cho rằng mạng xã hội là công cụ hiệu quả giúp giới trẻ lan tỏa lòng tự hào dân tộc. "Chỉ cần nhìn thấy hình ảnh Quốc kỳ Việt Nam trên bất kỳ nền tảng nào cũng đủ khiến chúng ta cảm thấy xúc động và tự hào", Hiếu chia sẻ và cho rằng mạng xã hội không chỉ là nơi để thể hiện lòng yêu nước, mà còn là công cụ để giữ gìn những giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Những xu hướng, ý kiến nêu trên chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều trend được các bạn trẻ tạo ra để thể hiện lòng yêu nước cũng như chia sẻ những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở đó, người trẻ còn có những hành động thể hiện lòng yêu nước thông qua những sự kiện lịch sử, sự ngưỡng mộ đối với các vị lãnh tụ của dân tộc... tạo ra hàng loạt những trend rất đặc biệt, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc như cover (thể hiện lại) giai điệu nhiều ca khúc hào hùng về đất nước, về những giá trị văn hóa truyền thống... hay chung tay chia sẻ những bài học lịch sử, thông tin quan trọng của đất nước khi cần thiết bằng những cách làm mới mẻ, dễ dàng tiếp cận đến nhiều người.
Còn vô số những hoạt động tích cực của người trẻ trên không gian mạng cần được nhân rộng hơn. Nhưng bên cạnh đó cũng không thể bỏ qua một số ít những trường hợp người trẻ đang có thái độ ứng xử, hùa theo trend hay phát ngôn trên mạng xã hội không đúng chuẩn mực, tạo ra những cơn sóng “tẩy chay” không đáng có.
Tự do sáng tạo nhưng cần chuẩn mực
Có thể thấy rõ một ví dụ cần rút kinh nghiệm trong những trend về ngày kỷ niệm 79 năm Quốc khánh vừa qua, đó là mặt trái của câu chuyện vẽ lá cờ Tổ quốc trên mái nhà. Sẽ không có gì là xấu khi trào lưu biến mái nhà thành lá cờ Tổ quốc của một TikToker ở Vĩnh Phúc được lan rộng ra toàn quốc, sau đó có nhiều biến tấu. Ban đầu, người dân sử dụng mái tôn đỏ có sẵn trên mái nhà, đo đạc và vẽ hình ngôi sao, sau đó sơn màu vàng để hoàn thiện ngôi sao trên nền tôn đỏ, tạo nên hình ảnh lá cờ Tổ quốc. Với những mái nhà không có tôn đỏ, người dân vẽ toàn bộ nền đỏ và ngôi sao vàng năm cánh lên mái nhà. Nhiều người thậm chí còn vẽ cờ lên mái ngói, cửa cuốn. Hàng trăm video, hình ảnh về lá cờ Tổ quốc liên tục được đăng tải lên mạng xã hội, có những video thu về hàng triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt tương tác. Tuy nhiên, trào lưu này đã nhanh chóng nhận về những chỉ trích về việc vẽ lá cờ không đúng kích thước và vẽ ở những vị trí không phù hợp. Vì vậy, nhiều tài khoản mạng xã hội, đa số là những người trẻ đã phải xin lỗi và có hành động sơn sửa kịp thời.
Nhìn từ câu chuyện của trào lưu trên, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc thể hiện lòng yêu nước trên mạng xã hội, ngoài việc phải xuất phát từ niềm tự hào đích thực, cũng cần được hướng dẫn để không vô tình dẫn đến những cách hiểu sai, sử dụng không đúng cách hoặc thiếu tôn trọng những nhân vật, biểu tượng quốc gia.
Đồng tình với quan điểm trên và phân tích cụ thể hơn, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm hợp tác đào tạo, bồi dưỡng - Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, với các trào lưu hiện nay của giới trẻ cần tăng cường giáo dục về lịch sử, văn hóa và ý nghĩa của các biểu tượng quốc gia, nhằm hướng dẫn cụ thể về cách thể hiện lòng yêu nước một cách phù hợp; tổ chức các cuộc thi, sự kiện để giới trẻ thể hiện lòng yêu nước theo cách sáng tạo nhưng vẫn đúng mực; luôn tạo điều kiện cho các hoạt động tình nguyện, để giới trẻ có cơ hội thể hiện lòng yêu nước bằng hành động cụ thể; đẩy mạnh truyền thông về các tấm gương yêu nước điển hình. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần phải thể hiện vai trò định hướng, tạo các diễn đàn, không gian để giới trẻ thảo luận và chia sẻ về lòng yêu nước, từ đó hình thành nhận thức đúng đắn. Cần phải khen thưởng phù hợp và kịp thời, nhằm ghi nhận và tôn vinh những cá nhân hay các nhóm có cách thể hiện lòng yêu nước sáng tạo và có ý nghĩa.
Nâng cao nhận thức từ mỗi cá nhân
Những vấn đề liên quan đến quốc gia, dân tộc là những điều thiêng liêng nhất khi được nhắc đến ở bất kỳ đâu, ngoài đời thực hay trên mạng xã hội. Vì vậy việc người trẻ tạo trend, hành động hay phát ngôn bất cứ điều gì liên quan đến lịch sử của đất nước, dân tộc Việt Nam đều cần có sự tự ý thức và chịu trách nhiệm về lời nói, hành động của mình.
Đáng buồn thay, bên cạnh nhiều bạn trẻ tích cực trong các hoạt động xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh thì vẫn có một số cá nhân có những phát ngôn gây sốc. Như trường hợp một thí sinh từng tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia, sau khi có bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 1/9, đã nhận về nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng.
Sau phát ngôn gây phẫn nộ trên, học sinh này đã thừa nhận những suy nghĩ của bản thân là nông cạn, xuất phát từ quan sát và trải nghiệm ít ỏi. Thông qua sự việc, em này cũng hiểu được thêm về tình cảm, lòng biết ơn của người Việt với lịch sử và với những người đã ngã xuống vì lý tưởng của dân tộc. Nam sinh xin nhận hoàn toàn trách nhiệm về những phát ngôn không đúng, đồng thời mong nhận được sự tha thứ của mọi người.
Nhưng dù đã lên tiếng xin lỗi, song sự việc vẫn chưa thể làm dịu đi phản ứng mạnh mẽ từ dư luận mạng xã hội, các nội dung, hình ảnh liên tục được lan truyền trên các diễn đàn. Có thể thấy, sự phản ứng của cộng đồng mạng dành cho thí sinh Đường lên đỉnh Olympia cũng là điều dễ hiểu. Nhưng sự phản ứng thái quá và cực đoan của cộng đồng mạng lại phản ánh một khía cạnh khác của mạng xã hội. Hiệu ứng đám đông đang đẩy nhiều sự việc đi quá xa. Đây cũng chính là một bài học đắt giá dành cho những bạn trẻ non nớt trong suy nghĩ và hành động nông nổi trên môi trường mạng xã hội, tưởng như là ảo nhưng thực chất lại đang rất “khốc liệt”. Nếu không có định hướng đúng đắn khi phát ngôn bất cứ điều gì lên mạng xã hội thì hậu quả khôn lường. Bất cứ ai cũng cần phải có trong mình sự tự nhận thức về những hậu quả cũng như những ảnh hưởng của lời nói đã phát ra. Đặc biệt là những người trẻ, mạng xã hội như con dao hai lưỡi, nếu không thận trọng khi sử dụng nó sẽ “cắt tay” mình lúc nào không hay.
Giáo dục để định hướng
Chỉ cần nhìn sơ qua những sự việc xảy ra trên mạng xã hội trong thời gian qua cũng đủ thấy sức ảnh hưởng của mạng xã hội có thể tác động đến đời sống của bộ phận giới trẻ nhiều như thế nào. Nó có thể dẫn dắt, điều khiển suy nghĩ, thậm chí đưa đến những nhận thức sai lệch cho người trẻ. Vì vậy, để đảm bảo an toàn trên không gian mạng, thế hệ trẻ cần được giáo dục để tiếp thu những kiến thức đúng đắn, được định hướng hành vi rõ ràng để không bị cuốn theo những quan điểm sai lệch.
Theo Chuyên gia tâm lý Th.S Nguyễn Đình Sơn - Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, những trường hợp hành xử không phù hợp của người trẻ trên mạng xã hội có thể xuất phát từ các nguyên nhân như tâm lí cá nhân, môi trường giáo dục và ảnh hưởng của thông tin rác, độc hại ở mạng xã hội.
“Vì vậy cần phải giáo dục cho học sinh các giá trị cốt lõi về đạo đức để các em hiểu được lễ, nghĩa cơ bản nhất, từ đó tôn trọng, biết ơn những người xung quanh từ cha mẹ có công nuôi dưỡng, thầy cô dạy dỗ. Gia đình, nhà trường dạy các em tính trung thực bởi khi biết trung thực mới dám nhận lỗi và chịu trách nhiệm”, ông Sơn nói.
Tham gia vào vòng xoáy vô tận của mạng xã hội, hơn ai hết, mỗi cá nhân người trẻ cần tự xây dựng cho mình “sức đề kháng” khi sử dụng mạng xã hội, nơi mà một sự lỡ lời, một lần xảy chân có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Sự lên đồng và thái quá của mạng xã hội rất dễ “nhấn chìm” một cuộc đời, một số phận nếu các em đã trót “lỡ lời” mà không đủ bản lĩnh để vượt qua.
Bởi vậy, ứng xử của cộng đồng, gia đình, nhà trường đối với những trường hợp dẫu có lầm lỡ phát ngôn sai lệch trên mạng xã hội, cần đến sự cảm thông, chia sẻ chứ không nên là sự quy chụp, suy diễn, đánh đồng và đẩy câu chuyện đi quá xa. Điều đó rất có thể sẽ dồn những bạn trẻ, một thế hệ tương lai của đất nước bị “nhấn chìm” trong cơn bão mạng. Vậy nên, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội là trang bị cho các em kỹ năng để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng xã hội đến việc giáo dục, nuôi dưỡng phát triển hoàn thiện nhân cách và lối sống tốt đẹp của thế hệ trẻ hiện nay.
Theo ThS. Nguyễn Thị Thúy (Trường Cán bộ quản lý Giao thông vận tải), thì mỗi gia đình, nhà trường, đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng cho người trẻ nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng và những bất cập của việc tham gia và sử dụng các trang mạng xã hội. Bên cạnh việc giáo dục cho giới trẻ nâng cao hiểu biết về các trang mạng xã hội, thì phải hướng dẫn, tư vấn cho họ những kiến thức, kỹ năng sử dụng các trang mạng xã hội.
“Điều hết sức quan trọng là phải chỉ cho họ thấy được tính hai mặt của mạng xã hội, đặc biệt là những hậu quả, hệ lụy của việc sử dụng mạng xã hội một cách tùy tiện, thái quá. Chỉ dẫn cho họ biết cách ứng xử và khả năng miễn dịch khi tiếp xúc với những thông tin xấu độc, mời gọi, khiêu khích, lôi kéo… đăng tải tràn lan trên các trang mạng xã hội. Đồng thời, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội cho người trẻ, làm cho họ biết làm chủ và kiểm soát được các hành vi của bản thân. Các thông tin tung lên mạng phải đúng với quy định của pháp luật, của đơn vị, địa phương, phù hợp với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội; phải hết sức thận trọng khi đăng tải những thông tin, hình ảnh của cá nhân và các hoạt động của đơn vị, nhất là các cơ quan nhà nước, những nhà chức trách đang thực thi công vụ lên các trang mạng xã hội”, bà Thúy nêu quan điểm.
Tham gia vào vòng xoáy vô tận của mạng xã hội, hơn ai hết, mỗi cá nhân người trẻ cần tự xây dựng cho mình “sức đề kháng” khi sử dụng mạng xã hội, nơi mà một sự lỡ lời, một lần xảy chân có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Sự lên đồng và thái quá của mạng xã hội rất dễ “nhấn chìm” một cuộc đời, một số phận nếu các em đã trót “lỡ lời” mà không đủ bản lĩnh để vượt qua.