Không đồng tình với kết quả đo nồng độ cồn, tài xế có thể làm gì?

Trường hợp tài xế không đồng tình với kết quả kiểm tra nồng độ cồn của CSGT thì có quyền yêu cầu kiểm tra lại hoặc xét nghiệm lại không?

Mới đây, tại đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội), tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông Đường bộ số 6 đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn hàng trăm tài xế. Trong số nhiều trường hợp vi phạm có tài xế N.N.A. (30 tuổi, trú tại Cầu Giấy) dù bị phát hiện có nồng độ cồn vẫn khẳng định không uống rượu bia trong ngày, mà chỉ uống vào tối hôm trước.

Trước phản ứng này, tổ công tác giải thích: khả năng đào thải cồn phụ thuộc vào thể trạng mỗi người. Có người chỉ mất vài giờ, nhưng cũng có trường hợp kéo dài đến 1 - 2 ngày mới hết hoàn toàn nồng độ cồn trong cơ thể.

Nếu không đồng tình với kết quả đo nồng độ cồn, tài xế có quyền yêu cầu kiểm tra lại tại chỗ.

Nếu không đồng tình với kết quả đo nồng độ cồn, tài xế có quyền yêu cầu kiểm tra lại tại chỗ.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: nếu tài xế cho rằng bản thân không uống rượu bia, nhưng thiết bị đo vẫn báo có nồng độ cồn, thì họ phải làm gì?

Trả lời vấn đề này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông), khẳng định: quá trình kiểm tra nồng độ cồn luôn được triển khai theo quy trình nghiêm ngặt, thực hiện tuần tự hai bước gồm định tính và định lượng.

Bước đầu, lực lượng chức năng sử dụng thiết bị phát hiện nhanh. Nếu có tín hiệu, tài xế sẽ được yêu cầu dừng xe, tiến hành thổi vào thiết bị định lượng để xác định chính xác mức vi phạm. Thiết bị này có ống thổi riêng bằng nhựa, đo trực tiếp nồng độ cồn trong hơi thở và đưa ra kết quả cụ thể.

Trường hợp tài xế không sử dụng rượu bia nhưng thiết bị vẫn báo có nồng độ cồn, người dân có quyền yêu cầu được kiểm tra lại ngay tại chỗ. Lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ cho phép thổi lại bằng thiết bị định lượng, hoặc có thể chờ trong thời gian từ 10 đến 15 phút rồi kiểm tra lại. Trong khoảng thời gian đó, tài xế có thể uống nước, súc miệng để loại bỏ yếu tố tác động nhất thời nếu có.

Các loại thực phẩm, nước hoa quả, thuốc ho, nước súc miệng… từng được các cơ quan y tế phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông tiến hành thực nghiệm, đều không cho ra kết quả có nồng độ cồn trong hơi thở nếu sử dụng đúng liều lượng thông thường.

Trường hợp chưa thỏa mãn với kết quả đo nồng độ cồn của CSGT thì người dân cũng không được tự ý làm xét nghiệm bên ngoài. Chỉ khi lực lượng chức năng chỉ định xét nghiệm tại cơ sở y tế đạt chuẩn, kết quả mới có giá trị pháp lý.

Trường hợp chưa thỏa mãn với kết quả đo nồng độ cồn của CSGT thì người dân cũng không được tự ý làm xét nghiệm bên ngoài. Chỉ khi lực lượng chức năng chỉ định xét nghiệm tại cơ sở y tế đạt chuẩn, kết quả mới có giá trị pháp lý.

Với câu hỏi nếu không đồng tình với kết quả đo nồng độ cồn và tự đi xét nghiệm máu thì kết quả đó có được công nhận hay không, đại diện Cục CSGT khẳng định: người điều khiển phương tiện không được tự ý xét nghiệm máu rồi mang kết quả về để làm căn cứ phản bác. Chỉ những kết quả xét nghiệm do cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện, theo đề nghị và dưới sự giám sát của lực lượng chức năng, mới được pháp luật công nhận.

Theo đó, quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA, cơ sở y tế được phép xét nghiệm nồng độ cồn trong máu phải đáp ứng đủ các điều kiện: có khoa hoặc phòng xét nghiệm được phê duyệt danh mục kỹ thuật đo nồng độ cồn; có máy sinh hóa chuyên dụng, thiết bị bảo quản và lưu trữ mẫu; đồng thời có nhân viên có chứng chỉ chuyên môn, được đào tạo đúng ngành nghề.

Kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị pháp lý nếu được thực hiện tại các cơ sở y tế đạt chuẩn, do lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp triển khai trong những trường hợp cần thiết, như tài xế không hợp tác thổi máy, hoặc xảy ra tai nạn giao thông.

Về chi phí xét nghiệm, nếu kết quả cho thấy người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu, người vi phạm sẽ phải chịu toàn bộ chi phí xét nghiệm theo giá dịch vụ y tế của Nhà nước. Ngược lại, nếu kết quả chứng minh người đó hoàn toàn không có cồn trong máu, cơ quan công an sẽ chi trả toàn bộ chi phí xét nghiệm.

Quy định này được nêu rõ tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BCA-BYT và hiện vẫn đang được áp dụng trong toàn quốc.

Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đang được lực lượng Cảnh sát giao thông triển khai quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, người dân cần nắm rõ quy trình kiểm tra, hiểu đúng về quyền được đề nghị thổi lại tại chỗ, đồng thời tuyệt đối không sử dụng các kết quả xét nghiệm không hợp pháp để phản đối hoặc gây cản trở quá trình xử lý vi phạm.

CSGT kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn - 1 trong 6 nhóm hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khong-dong-tinh-voi-ket-qua-do-nong-do-con-tai-xe-co-the-lam-gi-169250506210506553.htm
Zalo