Không để xảy ra tình trạng dự án giao vốn nhưng không giải ngân
UBND tỉnh Cà Mau đang chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là tăng cường nhiều giải pháp thúc đẩy hoàn thành đúng tiến độ đối với các dự án lớn, quan trọng trên địa bàn tỉnh.

San lấp mặt bằng công trình Bệnh viện Đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường.
Quý I, tỉnh Cà Mau đã giải ngân đạt trên 367,5 tỷ đồng, bằng 5,7% kế hoạch vốn, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (đạt 8,94%); cùng kỳ năm 2024 giải ngân đạt 717,091 tỷ đồng, bằng 15,5% kế hoạch. Qua rà soát cho thấy, trong số 16 chủ đầu tư năm 2025, tỉnh có 9 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức bình quân của tỉnh, 6 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới mức bình quân của tỉnh và 1 chủ đầu tư chưa giải ngân.
Tiến độ kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh còn chậm phải kế đến nguyên nhân do một số dự án vừa mới cho tạm ứng hợp đồng vào cuối năm 2024 nên đầu năm 2025 chưa có khối lượng để giải ngân; trong đó, Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh (chiếm 35,2% tổng kế hoạch vốn của tỉnh) và Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau (chiếm 13,6% tổng kế hoạch vốn của tỉnh). Bên cạnh đó, một số trụ sở cấp huyện, cấp xã đang dừng thực hiện để chờ những chỉ đạo tiếp theo đối với chủ trương bỏ cấp huyện, sáp nhập xã theo Kết luận 127-KL/TW năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư…
‘‘Tỉnh ủy Cà Mau đề ra mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên. Quý I, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) theo giá so sánh đạt 12.715 tỷ đồng, tăng 5,36% so cùng kỳ năm trước. Đây là con số nói lên sự chuyển biến rất tốt trong quý I với kỳ vọng sẽ tạo đà cho phát triển, bức phá mạnh mẽ kể quý II trở đi’’, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi chia sẻ, đồng thời lưu ý các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu, chủ động chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để triển khai Kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các chủ đầu tư trong việc thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; quyết liệt, chủ động xử lý, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư công; thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm giữa các bộ phận chuyên môn thuộc đơn vị. Xác định rõ đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư các dự án.
UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao, nhất là các dự án trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh; Dự án đầu tư xây dựng cầu sông Ông Đốc, tuyến trục Đông - Tây và cầu Gành Hào; Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cà Mau - Đầm Dơi (đoạn từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến cầu Xóm Ruộng); Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm; Dự án Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau (Dự án thành phần cấp địa phương tại tỉnh Cà Mau); Dự án xây dựng đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa sông Ông Đốc đến cửa biển Bảy Háp, tỉnh Cà Mau; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội; Dự án đầu tư xây dựng công trình Trụ sở làm việc Tỉnh ủy Cà Mau…
Sở Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND các huyện, thành phố Cà Mau theo nhiệm vụ được giao tập trung, khẩn trương thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư triển khai các công trình, dự án, đặc biệt là dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau và những dự án trọng điểm, có tác động, lan tỏa của tỉnh, các dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các chủ đầu tư nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo tỷ lệ giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt từ 95% trở lên.
Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải đề nghị UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Đối với các công trình, dự án đã có ý kiến chỉ đạo của Trung ương thì cần chủ động phối hợp chặt chẽ, quyết liệt đeo bám, trực tiếp làm việc với các bộ, ngành Trung ương và cơ quan liên quan đảm bảo các giải pháp phù hợp, lộ trình cụ thể, giao trách nhiệm từng ngành, từng địa phương để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
Theo đó, sớm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau để bàn giao cho đơn vị thi công đảm bảo về tiến độ; hoàn thành các công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh việc phòng, chống lãng phí trong tình hình mới, trọng tâm là tổng rà soát các dự án đầu tư kéo dài, dự án hiệu quả thấp, dự án ngừng triển khai theo kết luận của các cơ quan chức năng, dự án có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí lớn...
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tổng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 (bao gồm năm 2024 chuyển sang) của tỉnh là trên 6.396,9 tỷ đồng, UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết khoảng 5.854,8 tỷ đồng, còn lại khoảng 542,1 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết.