Không để xảy ra gián đoạn trong chỉ đạo ứng phó với thiên tai
Ngày 28-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó nguy cơ mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét và chủ động phòng chống thiên tai trong thời gian tới.

Lực lượng chức năng giúp người dân ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh khắc phục hậu quả mưa lũ
Từ đầu năm 2025 đến nay, thiên tai đã làm 29 người chết và mất tích, 67 nhà bị sập đổ, 2.342 nhà bị tốc mái, hư hại. Trong tháng 5 đã xuất hiện nhiều đợt mưa lớn (đặc biệt là đợt mưa lớn lịch sử trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vừa qua), gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở một số địa phương, thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay, chuẩn bị vào mùa mưa bão nên nguy cơ xảy ra thiên tai, bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét ở mức cao.
Trong bối cảnh các địa phương đang tập trung sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, để chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, chủ động kiểm tra, đôn đốc và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn.
Thủ tướng nêu rõ, không để bị động, bất ngờ, không để gián đoạn trong công tác ứng phó với thiên tai khi sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
“Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không để xảy ra gián đoạn trong chỉ đạo ứng phó với thiên tai khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp”, nội dung công điện nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát, xây dựng phương án tổ chức lại lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn ở cấp tỉnh và cấp cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả từ ngày 1-7 (sau khi cấp huyện kết thúc hoạt động).
Cùng với đó, rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, bão, ngập lụt; tập trung khắc phục ngay những nguy cơ đã được nhận diện qua cơn bão số 3 (Yagi) năm 2024 (trong đó có việc bảo đảm an toàn cho các hồ đập thủy điện), xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó, bảo vệ các trọng điểm xung yếu, không để bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra...