Không để tổn thương tâm lý trở thành bi kịch trong giới trẻ
Gần đây, tại một số tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai xảy ra những vụ việc đau lòng liên quan đến hành vi tự tử ở người trẻ. Những sự việc này một lần nữa cho thấy cần có giải pháp ngăn ngừa tình trạng tự tử trong giới trẻ hiện nay, nhất là không để những tổn thương tâm lý trở thành bi kịch trong giới trẻ.

Gia đình không nên đặt nặng kỳ vọng thành tích lên con cái, bởi áp lực quá lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Ảnh minh họa: Lê Duy
Hồi chuông cảnh báo
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, tại Trung tâm Thương mại Vạn Hạnh Mall (Thành phố Hồ Chí Minh) đã xảy ra 2 vụ tự tử thương tâm. Tối 9-4, một nam thanh niên bất ngờ rơi từ tầng cao xuống khu vực bên trong trung tâm, thiệt mạng tại chỗ. Camera an ninh ghi nhận trước khi xảy ra sự việc, nạn nhân có để lại ba lô và dép trên tầng cao - dấu hiệu cho thấy có thể đây là hành vi tự tử.
Trước đó chưa đầy một tháng, ngày 17-3, một thiếu niên sinh năm 2010 cũng được phát hiện nhảy từ tầng 7 của tòa nhà Trung tâm Thương mại Vạn Hạnh Mall để lại trong giỏ xách 2 mẩu giấy ghi tên và số điện thoại người thân. Cơ quan chức năng sau đó nhận định đây là trường hợp tự tử.
Tại Đồng Nai, ngày 6-4, tại cầu An Hảo (thuộc phường An Bình, thành phố Biên Hòa), lực lượng chức năng cùng người dân đã kịp thời can thiệp, ngăn cản anh N.T.K. (25 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) đang trèo qua lan can cầu An Hảo nghi có ý định nhảy xuống sông Đồng Nai. Tại cơ quan chức năng, anh N.T.K. cho biết có ý định tự tử vì buồn chuyện gia đình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như anh N.T.K. được cứu sống kịp thời, đã có một số trường hợp thanh niên nhảy cầu Đồng Nai, cầu Hóa An tử vong.
Cụ thể như chiều 6-4, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể anh N.V.H. (31 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) tại khu vực dưới cầu Hóa An (thành phố Biên Hòa). Trước đó, đầu giờ chiều 6-4, nhiều người phát hiện có xe máy biển số 61D-665.91 cùng đôi dép trên cầu Hóa An, nghi có người nhảy cầu, người dân nhanh chóng báo lực lượng chức năng để tổ chức tìm kiếm.
Dù chưa rõ nguyên nhân dẫn đến các vụ việc đau lòng này nhưng qua các vụ việc nêu trên như hồi chuông cảnh báo về sức khỏe tâm thần trong cộng đồng hiện nay, nhất là trong giới trẻ.
Thông tin từ Bộ Y tế, một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hành vi tự tử trong giới trẻ hiện nay là: áp lực học hành, sự kỳ vọng quá mức từ gia đình, mâu thuẫn trong quan hệ xã hội, tài chính cá nhân, hay cả những cú sốc tưởng chừng “vụn vặt” trong đời sống thường nhật. Đôi khi, chỉ một lời trách mắng nặng nề hay sự im lặng kéo dài trong một mái nhà cũng đủ khiến một tâm hồn non trẻ cảm thấy lạc lõng và bị bỏ rơi.
Ở Việt Nam, sau đại dịch Covid-19, tình trạng rối loạn tâm lý ở thanh thiếu niên bao gồm: trầm cảm, lo âu và mất ngủ có xu hướng tăng nhanh. Thống kê từ Viện Sức khỏe tâm thần cho thấy, nhiều trường hợp trong số đó không được phát hiện sớm, một phần do sự thiếu quan tâm đúng mức từ gia đình và nhà trường.
Chị Nguyễn Thị Mai (42 tuổi, ngụ phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa) bày tỏ lo lắng: “Tôi từng chứng kiến cháu họ mình rơi vào trầm cảm chỉ vì áp lực thi cử và kỳ vọng từ cha mẹ. Mỗi lần thi không đạt điểm như mong muốn là cháu lại bị trách mắng, so sánh với bạn bè. Dần dần cháu thu mình lại, không muốn nói chuyện với ai, suốt ngày chỉ nằm trong phòng. May mắn là gia đình phát hiện sớm, đưa cháu đi trị liệu tâm lý kịp thời, chứ nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.
Theo một bác sĩ tâm lý làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (thành phố Biên Hòa), một trong những yếu tố rủi ro hàng đầu là những vấn đề tâm lý vốn đã tồn tại trước đại dịch Covid-19. Việc học online kéo dài, thiếu tiếp xúc xã hội, cộng với áp lực từ thành tích học tập, mạng xã hội và môi trường gia đình không ổn định có thể khiến tình trạng tâm lý của giới trẻ xấu đi nhanh chóng. Thanh thiếu niên, đặc biệt là nữ giới có nguy cơ cao hơn khi gặp phải các rối loạn tâm thần như: lo âu, trầm cảm hay mất ngủ. Sự gắn kết và thấu hiểu từ gia đình vẫn luôn là yếu tố bảo vệ quan trọng giúp người trẻ vượt qua khủng hoảng.
Tránh áp lực vô hình từ gia đình
Tiến sĩ - giảng viên tâm lý học Cao Thị Huyền (Trường đại học Đồng Nai) cho biết, áp lực học tập kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Giảm áp lực trong học tập là yếu tố để duy trì tâm trạng tốt, tăng cường khả năng sáng tạo trong học tập. Do đó, gia đình và nhà trường cần cân bằng cho học sinh giữa học và chơi; giúp học sinh sắp xếp thời gian hợp lý giữa học tập và vui chơi, giải trí; giúp học sinh lập kế hoạch học tập cụ thể, hợp lý. Nâng cao sức khỏe thể chất cho giới trẻ, tăng sức đề kháng, sức mạnh khi đối diện với những áp lực trong cuộc sống.
“Tâm lý có mối quan hệ mật thiết với sức khỏe tổng thể. Những xáo trộn về tâm lý khiến cho sức khỏe và cuộc sống có nhiều ảnh hưởng (tinh thần luôn căng thẳng, mất ngủ, căng cơ, đau đầu, hay cáu gắt...). Khi nhận thấy bản thân có những dấu hiệu này cần chia sẻ với người thân, bạn bè, thầy cô, chuyên gia tâm lý để kịp thời điều chỉnh những xáo trộn về cảm xúc, hành vi, suy nghĩ...” - tiễn sĩ - giảng viên tâm lý học Cao Thị Huyền khuyến cáo.
Theo tiến sĩ - giảng viên tâm lý học Cao Thị Huyền, để bảo vệ sức khỏe tâm thần cho học sinh, sinh viên, nhà trường cần tích cực xây dựng môi trường học tập thân thiện, giảm áp lực thành tích và tích hợp giáo dục cảm xúc, kỹ năng sống trong chương trình học. Bên cạnh đó, phụ huynh nên đồng hành thay vì áp đặt, lắng nghe thay vì chỉ trích. Cần coi việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, sinh viên quan trọng không kém chăm sóc thể chất.