Không để người làm muối bị bỏ lại phía sau

Tiềm năng của ngành muối là rất lớn, nhưng để khai thác hiệu quả và nâng cao đời sống diêm dân, cần có những giải pháp đồng bộ.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, các hộ làm muối vẫn luôn gắn bó với nghề.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, các hộ làm muối vẫn luôn gắn bó với nghề.

Tiềm năng lớn phát triển nghề muối

Phát biểu tại sự kiện Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025: “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người” ngày 16/12, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nước ta có tiềm năng lớn phát triển nghề muối khi có tới 3.260km đường bờ biển. Hiện, Việt Nam có diện tích trên 11.000ha sản xuất muối, mỗi năm tiêu thụ 1,6 triệu tấn, cung cấp nhu cầu ăn, chế biến thực phẩm, công nghiệp, y tế và làm đẹp.

Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến sản xuất muối. Ngành muối được xếp vào danh mục một trong 7 ngành, nghề nông thôn quan trọng. Bên cạnh đó, muối ở Việt Nam gắn với văn hóa, quan niệm may mắn: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Muối ở mỗi vùng sẽ có những đặc điểm khác nhau, thể hiện sự đa dạng vùng miền và sản phẩm.

Tuy nhiên, sản lượng muối hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước. Mặc dù sản lượng muối đạt khoảng 1 triệu tấn mỗi năm, nhưng con số này vẫn còn thấp so với yêu nhu của thị trường, đặc biệt là khi phải đối mặt với những yếu tố bất lợi như mất mùa, biến đổi khí hậu và sự thay đổi của thị trường. Nghề muối ở nhiều khu vực vẫn còn gắn liền với sự khó khăn, nghèo đói, khi mà người nông dân làm muối chủ yếu sống dựa vào lao động thủ công, thu nhập thấp và không ổn định.

Chia sẻ về giá muối, ông Lê Đức Thịnh cho biết, Nhà nước luôn bảo hộ và hỗ trợ cho ngành muối Việt Nam bằng cách ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các diêm dân sản xuất muối phục vụ cho nhu cầu ăn uống, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, giá muối vẫn bấp bênh, hạ tầng phục vụ sản xuất xuống cấp nghiêm trọng. Các kênh dẫn nước biển vào địa phương cần được đầu tư lại, tốn kém khoản lớn chi phí trong khi chính quyền địa phương còn e ngại, lo sợ đầu tư không hiệu quả. Trên cả nước, hiện có hơn 70 doanh nghiệp, nhà đầu tư đang đầu tư chế biến muối. Tiêu biểu, Bạc Liêu đã ban hành đề án phát triển nghề muối; đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu muối với sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm. Tây Ninh dù không có biển nhưng lại có sản phẩm muối ớt nổi tiếng. Hoặc tại cánh đồng muối ở Diêm Điền (Thái Bình), nhiều tổ chức, cá nhân đã tính đến việc liên kết sản xuất muối gắn với du lịch. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt giá muối thấp trong khi chi phí cho hạ tầng sản xuất muối lại cao nên cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nâng cao giá trị hạt muối

Ông Ngô Nguyên Phong, Chủ tịch Hội Diêm nghiệp Bạc Liêu, cho biết: “Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, các hộ làm muối vẫn luôn gắn bó với nghề. Trong thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ các diêm hộ rất nhiều, từ tập huấn nâng cao năng lực đến hỗ trợ công cụ chế biến. Hiện nay, đã có trên dưới 10 hợp tác xã về sản xuất muối, và dần dần hình thành chuỗi liên kết các hợp tác xã tại địa bàn tỉnh”.

Bên cạnh đa dạng hóa sản phẩm, Cục trưởng Lê Đức Thịnh nhấn mạnh cần nâng cao giá trị cho chính sản phẩm muối. “Đa số sản phẩm muối của Việt Nam là muối thô, giá trị thấp. Làm thế nào để sản phẩm muối của chúng ta phổ biến rộng rãi hơn trên thị trường, đặc biệt là tiếp cận được người tiêu dùng?” - ông Thịnh đặt câu hỏi và đề xuất: chúng ta nên hỏi kinh nghiệm các nước, ví dụ như Hàn Quốc, trong việc thay đổi mẫu mã, bao bì và nâng cao chất lượng sản xuất. Hiện Chính phủ đã có những chính sách rõ ràng về nhập khẩu muối, ưu tiên muối cho công nghiệp và đánh thuế cao muối nhập khẩu. Tuy nhiên, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng “tuồn” muối nhập khẩu ra ngoài.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành đề án phát triển ngành muối gắn với nhiều ngành, nghề liên quan. Đặc biệt, Quyết định 1325/QĐ-TTg đã cóa những quy định cụ thể về đầu tư hạ tầng cho các vùng sản xuất muối trọng điểm. Riêng tại Bạc Liêu, Bộ đã dành nguồn ngân sách khoảng 130 tỷ đồng để phát triển hạ tầng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên UNDP: Nghề muối không chỉ mang lại giá trị về kinh tế mà còn là vấn đề mang tính văn hóa, xã hội, nhìn nhận câu chuyện muối là một phần của lịch sử. Do đó UNDP đề xuất duy trì phát triển sản xuất muối truyền thống, hỗ trợ trải nghiệm văn hóa vùng Bạc Liêu nhằm mục đích không để người dân làm muối bị bỏ lại phía sau.

Hồng Hạnh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khong-de-nguoi-lam-muoi-bi-bo-lai-phia-sau-158976.html
Zalo