Không để lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước
Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc rà soát lại toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.
Theo Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 ban hành theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 31/12/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công.
Theo đó, thực hiện đồng bộ các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc rà soát lại toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.
Hoàn thành công tác Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 01/3/2024, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch và tiếp tục cập nhật đầy đủ thông tin về tài sản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.
Liên quan đến kiểm kê tài sản công, theo số liệu của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), sau 2 tuần thực hiện tổng kiểm kê tài sản công trên cả nước, tính đến ngày 14/1/2025 có 24 bộ, ngành và 58 địa phương đã thực hiện chế độ báo cáo trên phần mềm tổng kiểm kê tài sản công.
Trong đó, đối với tài sản công là tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, đến nay đã có 19 bộ, ngành (cả hội) đăng ký đối tượng kiểm kê; 5 bộ, ngành (cả hội) chưa đăng. Các bộ, ngành có số lượng đơn vị đăng ký nhiều là Bộ Tài chính (150 đơn vị), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (133 đơn vị), Bộ Giáo dục và Đào tạo (129 đơn vị), Bộ Y tế (122 đơn vị)…
Ở cấp địa phương, trong số 58 địa phương đã thực hiện chế độ báo cáo, thì có 57 địa phương đã đăng ký và chỉ có 1 địa phương (Vĩnh Phúc) chưa đăng ký đối tượng kiểm kê. Các địa phương có số lượng đơn vị đăng ký nhiều gồm: Nghệ An (748 đơn vị), Long An (734 đơn vị), TP Hà Nội (713 đơn vị), Hà Giang (566 đơn vị), Quảng Ninh (550 đơn vị), Hậu Giang (490 đơn vị), Bình Phước (436 đơn vị), Phú Thọ (436 đơn vị), Tiền Giang (412 đơn vị)…
Đối với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng, có 34 địa phương đã đăng ký đối tượng kiểm kê đối với 4-5 nhóm tài sản kết cấu hạ tầng như đường bộ, đường thủy nội địa, hạ tầng cấp nước sạch, chợ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, đê điều…
Trong khi đó, có 11 địa phương chưa đăng ký đối tượng kiểm kê đối với cả 18 loại tài sản kết cấu hạ tầng; 31 địa phương đăng ký đối tượng kiểm kê với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị; 35 địa phương đăng ký đối tượng kiểm kê với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia...