Không có nguồn tuyển, nhiều trường 'đỏ mắt' tìm giáo viên
Nhiều trường vùng sâu, vùng xa đang thiếu giáo viên do không có nguồn tuyển, biên chế hạn hẹp và chính sách đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến hết học kỳ I năm học 2024-2025, cả nước thiếu hơn 120.000 giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, gần 65.000 biên chế đã được giao cho các địa phương nhưng mới tuyển được khoảng 6.000 người.
Theo chia sẻ của giáo viên, hiệu trưởng một số trường tại vùng sâu, vùng xa tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra nhiều năm qua. Mặc dù, chính sách tuyển dụng giáo viên vẫn được triển khai hàng năm, song nhiều trường vẫn không thể lấp đầy những khoảng trống do thiếu hụt nhân lực, đặc biệt ở các môn học đặc thù như tiếng Anh, Âm nhạc, Tin học.
Nhiều trường "loay hoay" với bài toán tuyển dụng giáo viên
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Dung – giáo viên dạy môn tiếng Anh tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) chia sẻ: “Nhà tôi cách trường khoảng 35km, do việc đi lại khó khăn nên phải ở lại trường và thường chỉ về nhà vào cuối tuần. Dù mong muốn được chuyển công tác về gần nhà để thuận tiện chăm sóc gia đình nhưng do trường thiếu giáo viên nên tôi chưa thể xin điều chuyển. Suốt 4 năm qua, việc phải sống xa nhà đã ảnh hưởng một phần đến tinh thần, sức khỏe và việc chăm sóc con cái của tôi”.
Theo cô Dung, nhà trường có tổng 14 lớp nhưng chỉ có hai giáo viên tiếng Anh, trong đó, một cô phụ trách khối trung học cơ sở và một cô phụ trách khối trung học phổ thông. Việc thiếu giáo viên khiến khối lượng công việc tăng, buộc giáo viên phải đảm nhận nhiều tiết dạy và thường xuyên dạy vượt số giờ quy định. Có những ngày, dù đã đứng lớp đủ 5 tiết vào buổi sáng nhưng buổi chiều vẫn phải tiếp tục giảng dạy thêm 2 -3 tiết. Cường độ làm việc cao kéo dài gây nhiều khó khăn và ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe của giáo viên.
Bên cạnh đó, môn tiếng Anh có đặc thù riêng, đòi hỏi giáo viên phải nói nhiều hơn so với các môn học khác. Đặc biệt, ở vùng cao, do học sinh còn hạn chế trong việc tiếp cận tiếng Anh, giáo viên phải giảng giải rất kỹ để các em hiểu bài. Việc phải nói liên tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, nhất là khi phải đảm nhận nhiều tiết dạy trong ngày.
Không chỉ vậy, do quỹ thời gian hạn hẹp nên thầy cô chỉ có thể giảng dạy kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, chưa có điều kiện mở rộng hay nâng cao thêm nội dung bài học cho học sinh. Đối với các em còn yếu kém, thầy cô cũng thường phải tự sắp xếp thời gian để phụ đạo thêm. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cũng bị hạn chế, khó đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của từng em.

Cô Nguyễn Thị Dung – giáo viên dạy môn tiếng Anh tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang). Ảnh: NVCC
Cô Dung cho biết thêm, hàng năm tỉnh vẫn tổ chức tuyển dụng giáo viên, trong đó có chỉ tiêu cho môn tiếng Anh nhưng do trường nằm xa trung tâm, đường sá đi lại vất vả nên cũng không nhận được hồ sơ nào đăng ký.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, theo cô Dung, tỉnh cần có thêm các chính sách hỗ trợ học sinh trong tỉnh đang theo học ngành sư phạm tiếng Anh. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, các em có thể quay về địa phương giảng dạy, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại các trường học trong khu vực.
Ngoài ra, các Bộ, ban, ngành nên tập trung vào các ưu đãi thiết thực như nâng cao mức lương, hỗ trợ tài chính trong quá trình học tập hoặc tạo điều kiện ưu tiên tuyển dụng sau tốt nghiệp. Những biện pháp này sẽ giúp thu hút sinh viên theo học ngành sư phạm tiếng Anh nói riêng và sinh viên sư phạm nói chung sẵn sàng quay về phục vụ tại địa phương sau khi ra trường.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Huy Hùng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sơn Điền (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, hiện nay, nhà trường đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên môn Âm nhạc do không có nguồn tuyển. Để đảm bảo công tác giảng dạy, trường đã ký hợp đồng với một giáo viên của trường khác trong cùng địa bàn huyện.
Việc thiếu giáo viên, đặc biệt ở các môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập của học sinh. Do đây là các môn năng khiếu, đòi hỏi chuyên môn đặc thù nên không thể phân công giáo viên dạy trái môn để thay thế. Về lâu dài, việc này có thể làm giảm chất lượng đầu ra, và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của học sinh.
Hiện nay, giáo viên các cấp tiểu học, trung học cơ sở phải đạt trình độ đào tạo chuẩn là từ đại học trở lên. Tuy nhiên, thực tế các trường đại học đào tạo sư phạm chuyên ngành về âm nhạc cũng tuyển được khá ít sinh viên, dẫn đến nguồn tuyển dụng cho các môn nghệ thuật như Âm nhạc, Mỹ thuật gần như không có trong thời gian qua. Bên cạnh đó, một số sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành về âm nhạc thường ít lựa chọn trở thành giáo viên, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên cục bộ kéo dài suốt nhiều năm qua.
Mặc dù, trường đã gửi thông báo tuyển dụng giáo viên Âm nhạc nhưng không có hồ sơ đăng kí. Nhà trường hy vọng khi có đợt tuyển dụng viên chức tiếp theo sẽ có ứng viên phù hợp, góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.

Thầy Nguyễn Huy Hùng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sơn Điền (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh NVCC.
Cải thêm chính sách để giữ chân giáo viên trẻ gắn bó với nghề
Theo một vị hiệu trưởng trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tại tỉnh Sơn La cho biết, nhà trường đang có tổng 30 lớp, trong đó khối trung học cơ sở là 16 lớp, khối trung học phổ thông là 14 lớp, số lượng học sinh toàn trường là hơn 1.000 em. Tổng biên chế của trường là 62 người, nhưng hiện chỉ 61 người đang làm việc, trong đó có 52 giáo viên đang trực tiếp đứng lớp giảng dạy, 9 người đảm nhiệm các vị trí quản lý hoặc công việc khác không trực tiếp giảng dạy.
Nếu so với quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 12 và Điều 17 Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập quy định, trường trung học cơ sở được bố trí tối đa 1,9 giáo viên/lớp; trường trung học phổ thông được bố trí tối đa 2,25 giáo viên/lớp, thì trường đang thiếu khoảng 10 giáo viên ở các bộ môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và Giáo dục quốc phòng và An ninh.
Việc thiếu giáo viên khiến thầy cô phải tăng thêm số tiết dạy, kéo dài thời gian làm việc gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng giảng dạy. Hiện tại, một số thầy cô dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục ở lại để hỗ trợ nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải thuê thêm giáo viên hợp đồng về giảng dạy. Tuy nhiên, do trường nằm ở xã cách xa trung tâm thành phố, việc thuê giáo viên không phải lúc nào cũng thực hiện được. Điều này vừa tạo áp lực về nhân lực vừa ảnh hưởng đến nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, khi chi phí thuê giáo viên ngoài không được ngân sách cấp theo định mức mà phải trích từ quỹ chi thường xuyên.
Vị hiệu trưởng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên kéo dài là do thiếu biên chế giáo viên. Trong suốt 4 năm qua, mỗi năm nhà trường phải tăng thêm một lớp học, nhưng biên chế giáo viên lại không được bổ sung tương ứng để đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Thêm vào đó, khi có giáo viên nghỉ hưu, biên chế sẽ bị cắt giảm theo quy định, điều này khiến trường không thể tuyển dụng giáo viên mới để bổ sung vào đội ngũ giảng dạy.

Học sinh tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: website nhà trường.
Vị hiệu trưởng tại tỉnh Sơn La cho rằng, việc giao thêm biên chế cho các trường học là giải pháp cần thiết để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Khi được bổ sung biên chế, các trường có thể tuyển dụng thêm giáo viên, đáp ứng nhu cầu giảng dạy ngày càng tăng. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực cho giáo viên hiện tại mà còn nâng cao chất lượng giảng dạy.
Với đội ngũ giáo viên đầy đủ, nhà trường có thể giảm mật độ học sinh trong lớp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy và học tập hiệu quả hơn. Giáo viên sẽ có nhiều thời gian để chuẩn bị bài giảng và dành sự quan tâm cho từng học sinh.
Bên cạnh đó, việc bổ sung giáo viên còn giúp tránh tình trạng thiếu giáo viên ở các môn học quan trọng, đảm bảo chương trình giảng dạy được triển khai đầy đủ, từ đó bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Trong khi đó, thầy Hùng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sơn Điền cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên hiện nay là do áp lực và khối lượng công việc của giáo viên khá lớn nhưng mức lương vẫn còn thấp hơn so với nhiều ngành nghề khác.
Không ít sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm đã lựa chọn rẽ hướng sang ngành nghề khác có thu nhập cao hơn, thay vì gắn bó với nghề giáo.
Đặc biệt, với những trường vùng sâu, vùng xa, đội ngũ giáo viên thường xuyên biến động. Việc tuyển dụng hoặc ký hợp đồng với giáo viên ở vùng thuận lợi và công tác rất khó khăn, do điều kiện đi lại và sinh hoạt không thuận tiện.
Để khắc phục tình trạng trên, thầy Hùng mong lãnh đạo các Bộ, ban, ngành quan tâm hơn đến chế độ lương, thưởng cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là những thầy cô trẻ mới ra trường để họ yên tâm công tác.
Ngoài ra, cần tổ chức tuyển dụng giáo viên định kỳ hàng năm và sớm đưa họ vào biên chế để đội ngũ giáo viên ổn định công việc, yên tâm gắn bó lâu dài. Nhiều giáo viên hợp đồng chưa được tuyển dụng chính thức phải làm việc trong thời gian dài với mức lương thấp, không được hưởng đầy đủ quyền lợi, dẫn đến tâm lý thiệt thòi, thiếu gắn bó lâu dài với nghề.
Ví dụ, cùng giảng dạy tại trường, giáo viên biên chế mới vào có mức lương khoảng 12–13 triệu đồng/tháng, trong khi giáo viên hợp đồng chỉ nhận được khoảng 7–8 triệu đồng/tháng. Sự chênh lệch này khiến họ chịu nhiều thiệt thòi và khó toàn tâm với nghề.