Giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục

Một trong những điểm nhấn của dự thảo Luật Nhà giáo được trình bày tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra - là làm rõ định hướng giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Điều này được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập trong sử dụng và quản lý đội ngũ nhà giáo trong thời gian qua.

Vừa qua, thảo luận ở hội trường, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 9 chương, 46 điều, giảm 4 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8. Trong đó, nội dung về tuyển dụng nhà giáo (Điều 14) được nhiều người quan tâm.

Tham gia góp ý dự án Luật Nhà giáo, đa số đại biểu tán thành quy định giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục. Lý giải điều này, các đại biểu cho rằng, ngành giáo dục chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo sẽ đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng; góp phần khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối cơ cấu nhà giáo.

Hiện dự thảo Luật đang giao thẩm quyền tuyển dụng cho cơ quan quản lý giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục. Phân tích quy định này, ĐBQH Tô Văn Tám - Đoàn Kon Tum cho rằng, chỉ nên giao cho cơ quan quản lý giáo dục được chủ trì tuyển dụng, bởi các cơ quan này có chuyên môn sâu về giáo dục và nắm rõ yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để có thể đánh giá đúng chất lượng của đối tượng dự tuyển.

ĐBQH Trần Văn Thức (Đoàn Thanh Hóa) thống nhất cao với các quy định trong dự thảo Luật và bày tỏ mong muốn Luật Nhà giáo sau khi được ban hành sẽ ngày càng phát huy tính hiệu quả trong quản lý và sử dụng đội ngũ nhà giáo tại cơ sở giáo dục, phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành Giáo dục. Ông Thức đề nghị giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo nhằm giải quyết những bất cập trong sử dụng và quản lý đội ngũ nhà giáo trong thời gian qua (như tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các cơ sở giáo dục, giữa các đơn vị hành chính cấp xã); đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục.

Cùng đó, ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cũng nhận định, dự thảo Luật đã quy định khá minh bạch trong tuyển dụng nhà giáo, rõ về thẩm quyền, trách nhiệm, phân cấp trong tuyển dụng của các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục. Song ông Hải cho rằng việc tuyển dụng phải được quy định để bảo đảm tính cạnh tranh, có như vậy, mới nâng cao được chất lượng tuyển dụng đội ngũ nhà giáo. Nêu quan điểm, ĐBQH Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn Hà Nội) ủng hộ quy định đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt công lập thì cơ quan quản lý nhà nước giao cơ quan quản lý giáo dục chủ trì, tham mưu tuyển dụng hoặc chủ trì tuyển dụng.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) cho rằng, để đảm bảo chặt chẽ về tiêu chuẩn tuyển dụng, cần có cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu, thiếu đồng bộ, làm phát sinh bất cập trong chất lượng đội ngũ giáo viên. Đề nghị Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng nhà giáo, xác lập cơ chế thanh, kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện quyền tự chủ tuyển dụng. Quy định rõ trách nhiệm giải trình người đứng đầu cơ sở giáo dục, cơ sở quản lý, cấp trên khi xảy ra sai phạm. Có chế tài xử lý rõ ràng, nghiêm minh với các hành vi vi phạm trong tuyển dụng, đặc biệt là lạm quyền, tuyển dụng không công khai, minh bạch.

Các chính sách trong dự thảo Luật đã được Chính phủ đề xuất và Quốc hội thông qua gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo. Ông Vũ Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giao-quyen-tuyen-dung-giao-vien-cho-nganh-giao-duc-10305416.html
Zalo