Không chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang, lo sợ vì bệnh cúm

Những ngày qua, thông tin về diễn biến phức tạp của dịch cúm tại Việt Nam và trên thế giới khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Đặc biệt, sau khi một nữ diễn viên nổi tiếng người Đài Loan tử vong do mắc cúm càng dấy lên những lo ngại về dịch bệnh tưởng như không còn xa lạ này.

Người dân đến tiêm vaccine phòng cúm tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Người dân đến tiêm vaccine phòng cúm tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Trong hai ngày cuối tuần, anh Hoàng Minh Tuấn (ngụ thành phố Thủ Đức) gọi điện đến một số bệnh viện và trung tâm tiêm chủng để hỏi về vaccine cúm nhưng đều được thông báo hết vaccine phòng cúm, phải chờ một thời gian nữa mới có lại. Đặc biệt, các loại vaccine cúm do Hà Lan, Pháp sản xuất phải chờ đến sau ngày 30/4 mới có hàng. Sau khi hỏi nhiều nơi, anh Tuấn mới tìm được chỗ tiêm vaccine cúm do Hàn Quốc sản xuất tại một trung tâm tiêm chủng khá xa khu vực sinh sống.

Tương tự, những ngày qua, nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng tìm mua thuốc Tamiflu - loại thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm nhưng nơi thông báo hết hàng, nơi còn hàng thì bị đẩy giá lên khá cao.

“Hiện trên thế giới hàng khan hiếm nên để nhập được thuốc rất khó khăn, chúng tôi buộc phải tăng giá bán” - câu nói nhiều nhất người dân được nghe khi đi mua thuốc Tamiflu những ngày qua.

Lý giải về tình trạng nhiều người dân đổ xô đi tiêm vaccine và mua thuốc Tamiflu dự trữ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, do tâm lý quá lo lắng của người dân. Có lẽ, sau COVID-19, sự lo lắng, hoang mang của người dân thường bị đẩy lên quá mức mỗi khi đối diện với dịch bệnh, dù thực ra cúm A là dịch bệnh xuất hiện từ rất lâu. Chính sự lo lắng có phần thái quá này gây nên tình trạng khan hiếm đối với các mặt hàng sử dụng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Cũng lúc này, các chiêu bài “găm hàng, tạo sốt ảo, đẩy giá” của một số số kẻ cơ hội, trục lợi trên nỗi sợ hãi của đồng bào lại tiếp diễn. Câu chuyện khan hiếm vaccine cúm, thuốc Tamiflu… cũng tương tự như các câu chuyện khan hiếm, đẩy giá đối với khẩu trang trong COVID-19 hay thuốc nhỏ mắt trong đợt dịch đau mắt đỏ diễn ra thời gian trước.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chủng virus gây ra bệnh cúm tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay không phải là virus mới, độc lực cũng không thay đổi. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết lạnh kéo dài hơn nên là điều kiện thuận lợi để virus cúm phát triển và lây lan. Tại Việt Nam, thời tiết khu vực miền Bắc đang lạnh nên nhiều người dễ mắc cúm hơn, còn ở khu vực miền Nam nắng ấm hơn nên số người mắc cúm không nhiều, người dân không nên quá lo lắng.

Người dân tiêm vaccine phòng cúm tại Trung tâm Tiêm chủng FPT Long Châu. Ảnh: TTXVN phát

Người dân tiêm vaccine phòng cúm tại Trung tâm Tiêm chủng FPT Long Châu. Ảnh: TTXVN phát

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả để phòng bệnh cúm, song mục tiêu chính của vaccine cúm mùa không phải là miễn dịch cộng đồng mà là bảo vệ nhóm nguy cơ cao, từ đó, giúp giảm số bệnh nhân nặng, giảm số người cần nhập viện, giảm áp lực y tế và giảm tử vong. Do đó, đối tượng cần bảo vệ và tiêm phòng cúm thường xuyên hằng năm là nhóm nguy cơ cao: Trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người mắc các bệnh lý nền. Ngoài ra, trong các đợt dịch bùng phát, một số nhóm người như, nhân viên y tế, người khỏe mạnh nhưng tiếp xúc thường xuyên với đối tượng nguy cơ cao cũng nên được tiêm vaccine để tăng khả năng bảo vệ.

Tamiflu là loại thuốc chỉ sử dụng được cho trường hợp bệnh nặng, người có bệnh lý nền và theo chỉ định của các bác sĩ, người dân không nên tự ý sử dụng bởi sẽ gây ra những nguy hiểm. Trong trường hợp phải sử dụng thuốc Tamiflu, bác sĩ sẽ có chỉ định và bệnh viện cung ứng thuốc đầy đủ nên việc người dân tự tích trữ thuốc là hoàn toàn không cần thiết.

Các chuyên gia khuyến cáo, đối với dịch cúm hay bất cứ dịch bệnh mới nổi hoặc tái nổi nào, người dân không nên chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang, lo sợ, cần tìm hiểu kỹ thông tin từ nguồn tin chính thống và thực hiện biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo. Hiện các thông tin lan truyền trên mạng xã hội rất khó kiểm chứng, cần tỉnh táo, bình tĩnh hơn tránh nguy cơ “tiền mất tật mang” và không rơi vào “bẫy” do các đối tượng cơ hội tạo ra.

Đinh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/khong-chu-quan-nhung-cung-khong-qua-hoang-mang-lo-so-vi-benh-cum-20250217112425248.htm
Zalo