Không chiến Ấn Độ - Pakistan hé lộ năng lực vũ khí của Trung Quốc và phương Tây?

Một trận không chiến giữa các tiêm kích do Trung Quốc sản xuất của Pakistan và tiêm kích Rafale do Pháp chế tạo của Ấn Độ đang được giới quân sự toàn cầu theo dõi sát sao nhằm rút ra những bài học có thể tạo lợi thế trong các cuộc xung đột tương lai.

Trận không chiến thu hút sự quan tâm của giới quân sự toàn cầu

Theo 2 quan chức Mỹ tiết lộ với hãng tin Reuters, một máy bay chiến đấu của Pakistan do Trung Quốc sản xuất đã bắn rơi ít nhất 2 máy bay quân sự của Ấn Độ ngày 7/5. Đây có thể được xem là một cột mốc quan trọng với khả năng tác chiến của dòng tiêm kích tiên tiến do Bắc Kinh phát triển.

Cuộc không chiến này là cơ hội hiếm hoi để các lực lượng quân sự nghiên cứu hiệu quả của các phi công, tiêm kích và tên lửa không đối không trong thực chiến. Những dữ liệu này sẽ giúp họ củng cố và hoàn thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng không quân.

Máy bay chiến đấu J-10C của Không quân Pakistan biểu diễn tại buổi diễn tập trước lễ diễu hành mừng Ngày Quốc khánh Pakistan tại Islamabad vào ngày 21/3/2024. Ảnh: Getty

Máy bay chiến đấu J-10C của Không quân Pakistan biểu diễn tại buổi diễn tập trước lễ diễu hành mừng Ngày Quốc khánh Pakistan tại Islamabad vào ngày 21/3/2024. Ảnh: Getty

Các chuyên gia nhận định, việc vũ khí hiện đại được sử dụng trong thực chiến sẽ thu hút sự phân tích sâu rộng từ nhiều nước, trong đó có cả Trung Quốc và Mỹ.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Washington có cơ sở để tin tưởng rằng Pakistan đã sử dụng tiêm kích J-10 của Trung Quốc để phóng tên lửa không đối không nhằm vào các chiến đấu cơ của Ấn Độ.

Trên mạng xã hội, nhiều bình luận tập trung vào hiệu suất của tên lửa không đối không PL-15 do Trung Quốc phát triển khi đối đầu với Meteor - loại tên lửa điều khiển bằng radar do tập đoàn châu Âu MBDA sản xuất. Tuy nhiên, hiện chưa có xác nhận chính thức về việc các vũ khí trên được sử dụng trong trận giao tranh.

Tên lửa Meteor. Ảnh: forceindia

Tên lửa Meteor. Ảnh: forceindia

"Các lực lượng không quân ở Trung Quốc, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu chắc chắn sẽ rất quan tâm đến việc thu thập càng nhiều dữ liệu thực tế càng tốt về chiến thuật, kỹ thuật, quy trình tác chiến cũng như loại khí tài được sử dụng, loại nào phát huy hiệu quả, loại nào không", ông Douglas Barrie, chuyên gia cấp cao về hàng không quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận định.

“Chúng ta có thể đang chứng kiến cuộc đối đầu giữa vũ khí mạnh nhất của Trung Quốc và vũ khí mạnh nhất của phương Tây, nếu thật sự các khí tài này đã được triển khai. Điều này vẫn chưa được xác minh", ông Barrie nói.

Ông cũng cho rằng phía Pháp và Mỹ chắc chắn đang trông đợi thu thập được thông tin tình báo tương tự từ phía Ấn Độ.

“Mẫu tên lửa PL-15 là một thách thức lớn. Đây là loại vũ khí mà quân đội Mỹ đặc biệt quan tâm và theo dõi sát sao", một lãnh đạo trong ngành công nghiệp quốc phòng cho biết.

Giải mã những mảnh ghép còn thiếu

Các nhà phân tích phương Tây và các nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng cho biết nhiều chi tiết quan trọng vẫn chưa rõ ràng, chẳng hạn như việc liệu tiêm kích Ấn Độ có mang theo tên lửa Meteor hay không, cũng như mức độ các phi công được huấn luyện. Theo các nhà phân tích, các nhà sản xuất vũ khí cũng sẽ rất thận trọng trong việc phân tách giữa hiệu năng kỹ thuật thuần túy và các yếu tố tác chiến thực tế.

“Sẽ có những đánh giá kỹ lưỡng về cái gì hiệu quả, cái gì không nhưng chúng ta cũng phải lưu ý đến ‘sương mù chiến tranh’ vốn luôn bao trùm các cuộc xung đột", ông Byron Callan, chuyên gia quốc phòng tại Washington và là đối tác điều hành của Capital Alpha Partners, nhận định.

Ông cho biết các công ty quốc phòng Mỹ đang nhận được phản hồi liên tục về hiệu quả hoạt động của sản phẩm do họ cung cấp trong chiến sự tại Ukraine.

“Vì vậy, tôi hy vọng tình hình cũng tương tự đối với các nhà cung cấp châu Âu của Ấn Độ. Còn Pakistan và Trung Quốc có lẽ cũng đang chia sẻ các dữ liệu tương tự với nhau. Nếu tên lửa PL-15 hoạt động đúng như tuyên bố, hoặc thậm chí tốt hơn, Trung Quốc chắc chắn muốn được xác nhận điều đó".

Một nguồn tin trong ngành quốc phòng từ một quốc gia phương Tây đang sử dụng tên lửa Meteor cho biết, một hình ảnh đăng tải trên mạng, được cho là phần đầu dò của tên lửa dường như cho thấy đây là một phần của tên lửa đã trượt mục tiêu. Có nhiều nguồn tin trái chiều về việc Pakistan đang sử dụng phiên bản nội địa của PL-15 từ Không quân Trung Quốc hay chỉ là phiên bản xuất khẩu với tầm bắn ngắn hơn được công bố vào năm 2021.

Ông Douglas Barrie, chuyên gia từng có nhiều bài viết chuyên sâu về tên lửa PL-15, cho rằng khả năng cao Pakistan đang sử dụng phiên bản xuất khẩu.

Một nguồn tin khác trong ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây đã bác bỏ những tuyên bố rằng PL-15 sử dụng động cơ tên lửa có tầm bắn vượt trội so với Meteor, tuy nhiên cũng thừa nhận rằng khả năng thực tế của PL-15 “có thể cao hơn những gì từng được đánh giá". Tầm bắn chính thức của Meteor chưa từng được công bố.

“Ở thời điểm hiện tại, thật khó để đưa ra bất kỳ kết luận nào. Chúng ta biết quá ít", nguồn tin này cho hay.

Tầm bắn và hiệu năng của PL-15 từ lâu đã là chủ đề thu hút sự quan tâm lớn từ giới quân sự phương Tây. Việc dòng tên lửa này xuất hiện được xem như một trong nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã vượt xa giai đoạn phụ thuộc vào công nghệ có nguồn gốc từ Liên Xô.

Mỹ hiện đang phát triển tên lửa AIM-260 thông qua hãng Lockheed Martin, một phần là nhằm đối phó với PL-15 và khả năng tác chiến ngoài tầm nhìn của nó - một phần trong chiến lược điều chỉnh ưu tiên quốc phòng của phương Tây với Trung Quốc.

Các nước châu Âu cũng đang nghiên cứu kế hoạch nâng cấp giữa vòng đời cho tên lửa Meteor mà theo tạp chí chuyên ngành Janes, có thể bao gồm cải tiến về động lực và hệ thống dẫn đường nhưng các nhà phân tích cho rằng tiến độ vẫn còn chậm.

Vào tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao hợp đồng cho Boeing để chế tạo dòng tiêm kích hiện đại nhất từ trước tới nay của Không quân Mỹ - dự kiến sẽ tích hợp khả năng tàng hình, cảm biến tiên tiến và động cơ thế hệ mới.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/khong-chien-an-do-pakistan-he-lo-nang-luc-vu-khi-cua-trung-quoc-va-phuong-tay-post1198199.vov
Zalo