Ba Lan và Pháp ký hiệp ước cam kết bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công
Ngày 9/5, Ba Lan và Pháp đã ký một hiệp ước hợp tác và hữu nghị mới, trong đó có điều khoản nêu rõ hai bên cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp nước còn lại bị tấn công. Đây được cho là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ Pháp-Ba Lan.
Hiệp ước trên được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk ký ngày 9/5 tại thành phố Nancy, miền Đông nước Pháp, thay thế hiệp ước hiện có được ký kết giữa hai nước vào đầu những năm 1990.
Tổng thống Macron cho biết, một trong những nội dung quan trọng của Hiệp ước là điều khoản về "phòng thủ chung", đồng thời khẳng định, điều khoản này không thay thế cho sự bảo đảm an ninh của NATO hay Liên minh châu Âu (EU), mà là sự bổ sung cho các biện pháp bảo vệ hiện có của NATO và EU. Nhà lãnh đạo Pháp cũng lưu ý rằng, kho vũ khí hạt nhân của Pháp có thể là một phần của sự hỗ trợ an ninh đó.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk (bên trái), và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau khi ký hiệp ước tại Nancy, miền Đông nước Pháp (Ảnh: AP)
Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Tusk khẳng định, việc ký kết Hiệp ước này là một sự kiện lịch sử, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, Pháp và Ba Lan có thể tin tưởng lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh.
Việc Ba Lan và Pháp ký Hiệp ước bảo đảm an ninh chung diễn ra trong bối cảnh EU đang thúc đẩy thực hiện mục tiêu tăng cường tự chủ chiến lược nhằm bảo đảm an ninh của Khối trước nguy cơ Mỹ giảm sự hiện diện quân sự tại khu vực này. Điều này buộc các nước thành viên EU phải có những điều chỉnh chính sách nhất định để tự bảo đảm an ninh quốc gia.
Trước đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng cho rằng, Ba Lan nên tìm cách tiếp cận những năng lực tiên tiến nhất, kể cả năng lực về vũ khí hạt nhân và vũ khí phi truyền thống hiện đại. Theo giới chuyên gia, việc ký Hiệp ước mới với Pháp - thành viên duy nhất của EU có vũ khí hạt nhân, nằm trong chiến lược chung của Ba Lan nhằm từng bước tiếp cận được những năng lực tiên tiến nhất, trong đó có năng lực về vũ khí hạt nhân để bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine diễn biến phức tạp.