Không 'bỏ sót' chiến lược nhất quán cho mục tiêu tăng trưởng hai con số
Để vững vàng vượt qua những thách thức phía trước trong khi vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức cao trong ít nhất 20 năm tới, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam phải có một chiến lược phát triển dài hạn, đồng bộ và đi cùng với giải pháp trọng tâm được thực thi hiệu quả...

Ảnh minh họa.
Giữa lúc kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, tăng trưởng chững lại tại nhiều nền kinh tế lớn, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư toàn cầu sụt giảm, Việt Nam vẫn cho thấy khả năng chống chịu và phục hồi ấn tượng khi nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2025.
Với đà tăng này, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ước tính quy mô GDP của Việt Nam trong năm 2025 dự kiến đạt khoảng 514 tỷ USD, với dân số vào khoảng 102 triệu người. Tốc độ tăng dân số trung bình duy trì ổn định ở mức 1% mỗi năm, trong đó lực lượng lao động chiếm khoảng 50% dân số và năng suất lao động bình quân ước đạt khoảng 10.080 USD/người.
CHIẾN LƯỢC DÀI HẠN QUYẾT ĐỊNH TỐC ĐỘ VÀ CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG
Trên cơ sở thực trạng phát triển kinh tế của Việt Nam như hiện nay, ADB đưa ra hai phương án tăng trưởng cho Việt Nam đến năm 2045.
Trong đó, ở phương án tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam đạt 10% mỗi năm. Đến năm 2030, quy mô nền kinh tế Việt Nam có thể đạt 828 tỷ USD, dân số được dự báo tăng lên 107 triệu người, trong khi năng suất lao động đạt khoảng 15.500 USD/người.
Theo ADB, nếu đà tăng trưởng này tiếp tục được duy trì, đến năm 2045, quy mô GDP của Việt Nam có thể chạm ngưỡng 3.458 tỷ USD. Dân số lúc đó sẽ vào khoảng 124 triệu người, năng suất lao động đạt khoảng 55.600 USD/người, ngang bằng với Tây Ban Nha và cao hơn Slovenia hay Saudi Arabia trong năm 2025.
Ở phương án tăng trưởng thấp, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam đạt 8% mỗi năm. Đến năm 2030, quy mô GDP của Việt Nam ước đạt 755 tỷ USD, dân số vẫn ở mức khoảng 107 triệu người, song năng suất lao động trung bình sẽ thấp hơn so với phương án cao và chỉ đạt khoảng 14.100 USD/người.
Nếu duy trì tốc độ này đến năm 2045, quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt khoảng 2.396 tỷ USD, dân số tăng lên 124 triệu người và năng suất lao động trung bình đạt mức 38.500 USD/người.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Hùng, trong dài hạn, với tầm nhìn từ 20 đến 50 năm tới, Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn liên quan đến nguồn lực phát triển như không gian địa lý có giới hạn, dân số tăng chậm làm thu hẹp tốc độ gia tăng lực lượng lao động, trong khi các nguồn lực như khoáng sản, tài chính hay công nghệ đều cần được bổ sung hoặc thu hút từ bên ngoài.
“Chính vì vậy, để duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức cao trong ít nhất 20 năm tới, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển dài hạn và nhất quán, đi kèm với thực thi hiệu quả một số khía cạnh chính sách trọng điểm”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trong đó, một yếu tố cốt lõi là cần xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế thừa xuyên suốt ít nhất 2 - 3 thế hệ nhằm bảo đảm sự ổn định và liên tục trong định hướng chính sách. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ cấp cao - những người trực tiếp thực thi chính sách, cần phải có năng lực tổ chức, điều hành, cùng với khả năng cập nhật kiến thức và kỹ năng ngang tầm với chuẩn mực quốc tế của các quốc gia thu nhập cao.
“Việc thiết lập một cơ chế hiệu quả nhằm sàng lọc, lựa chọn các ý tưởng chính sách chất lượng cũng là yếu tố then chốt, giúp Việt Nam ứng phó linh hoạt với những biến động ngày càng nhanh và phức tạp của môi trường chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh toàn cầu”, ông Hùng khẳng định.
BẢO ĐẢM 7 CƠ CHẾ, NGUYÊN TẮC VỀ QUẢN TRỊ KINH TẾ - XÃ HỘI
Cùng với việc xây dựng một chiến lược phát triển dài hạn và nhất quán, theo chuyên gia ADB, Việt Nam cần đồng thời thiết lập và duy trì được 7 cơ chế và nguyên tắc căn bản trong quản trị kinh tế - xã hội để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng hai con số mà Việt Nam đã đặt ra.
Thứ nhất, bảo đảm cơ chế “tạo ra của cải”. Cơ chế này hiện đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam, vì vậy, Việt Nam cần khai thác triệt để các nguyên tắc của cơ chế thị trường, trong đó cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ lợi ích công cộng phải được đặt lên hàng đầu.
Thứ hai, bảo đảm cơ chế “phân phối xã hội” thông qua việc thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và môi trường, với sự tham gia tích cực và trách nhiệm từ khu vực doanh nghiệp.
Thứ ba, bảo đảm không gian phát triển “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” qua việc chủ động hội nhập sâu rộng và nâng cao năng lực cạnh tranh ở tất cả các cấp độ, từ doanh nghiệp, Chính phủ cho đến cá nhân và cộng đồng để khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.
Thứ tư, bảo đảm định hướng kinh tế vĩ mô. Trong đó, tổng cầu dài hạn cần xuất phát từ xuất khẩu sang thị trường quốc tế, trong khi tổng cung dài hạn phải dựa trên khả năng mở rộng giới hạn sản xuất và tăng lực lượng lao động.....
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28-2025 phát hành ngày 14/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://premium.vneconomy.vn/dat-mua/an-pham/tap-chi-kinh-te-viet-nam-so-28.html
