Không bất cẩn, dù chỉ một giây
'Chúng tôi luôn hết sức cẩn trọng, không phút giây nào xao lãng chuyện an toàn - vệ sinh lao động'.

"Không chỗ nào tuyệt đối an toàn. Dù công ty có bề dày thành tích hàng chục năm bảo đảm an toàn lao động song vẫn từng xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) chết người, ở nơi không ngờ nhất. Vì vậy, không bao giờ được phép chủ quan"…
Giám đốc một số doanh nghiệp lớn đã nói như vậy về an toàn lao động tại nơi làm việc - chủ đề luôn được nhắc đến vào những ngày tháng 4 và tháng 5, nhân Tháng Hành động về an toàn - vệ sinh lao động hằng năm. Đây cũng là vấn đề liên quan sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Năm nay, Tháng Hành động về an toàn - vệ sinh lao động có chủ đề "Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động tại nơi làm việc", diễn ra từ ngày 1 đến 31-5. Hoạt động này nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hành động của người sử dụng lao động lẫn người lao động (NLĐ) và cộng đồng về an toàn - vệ sinh lao động.
Theo báo cáo của 62 tỉnh, thành phố (trừ Hà Tĩnh), năm 2024, cả nước xảy ra 8.286 vụ TNLĐ (tăng 892 vụ so với năm 2023), làm 8.472 người bị nạn (tăng 919 người). Trong đó, 675 vụ làm chết người (tăng 13 vụ) với số người chết là 72 (tăng 28), người bị thương nặng là 1.690 (giảm 30). Những lĩnh vực xảy ra TNLĐ chết người nhiều nhất là khai thác khoáng sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim, dệt may, da giày…
Nguyên nhân xảy ra TNLĐ chết người do người sử dụng lao động chiếm 46,91% tổng số vụ và 47,12% tổng số người chết; với các lỗi chủ yếu là tổ chức lao động và điều kiện lao động, thiết bị không bảo đảm an toàn; không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho NLĐ; không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn…
Nguyên nhân do NLĐ chiếm 22,88% tổng số vụ TNLĐ và 20,55% tổng số người chết, chủ yếu là vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân và thiết bị an toàn được trang bị…
Điều đáng nói là TNLĐ thường để lại hậu quả, di chứng nặng nề cho NLĐ, gia đình họ và xã hội. Báo cáo của các địa phương cho thấy thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2024 là hơn 42.565 tỉ đồng (tăng 26.208 tỉ đồng so với năm 2023). Ngoài thiệt hại vật chất cho doanh nghiệp và xã hội, bản thân người bị TNLĐ và gia đình còn chịu nhiều di hại nặng nề, như tổn thương thể xác, tinh thần với người mất đi và người ở lại sống trong cảnh tàn phế, đau buồn. Những hậu quả, mất mát do TNLĐ là khó thể bù đắp nổi.
Để khắc phục, những biện pháp nêu ra từ trước đến nay vẫn là kiểm tra, thực hiện đúng quy trình quy phạm; ngăn ngừa nguy cơ, tuyên truyền nhận thức… Dĩ nhiên, đây là những giải pháp không thể khác, song điều quan trọng nhất là bản thân từng NLĐ phải luôn cảnh giác, không lơ là, chủ quan dù chỉ một giây trong quá trình làm việc. Bởi lẽ, cái giá của TNLĐ là vô cùng đắt, nếu để xảy ra thì dù nuối tiếc, ân hận đều đã muộn màng.
An toàn lao động không phải khẩu hiệu mà là nền tảng để phát triển bền vững. Ai cũng nằm lòng điều này và tuyệt đối tuân thủ thì mới đem lại sự bình an, hạnh phúc cho xã hội và gia đình.