ACB được chấp thuận tăng vốn lên 51.367 tỷ đồng

Với kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, ngân hàng ACB sẽ nâng vốn điều lệ lên mức hơn 51.000 tỷ đồng trong quý 3/2025

Ngân hàng của Chủ tịch Trần Hùng Huy chuẩn bị nâng vốn thêm gần 6.700 tỷ đồng. Ảnh: ACB

Ngân hàng của Chủ tịch Trần Hùng Huy chuẩn bị nâng vốn thêm gần 6.700 tỷ đồng. Ảnh: ACB

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã: ACB) vừa thông báo nhận được chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước cho kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành gần 670 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 15 cổ phiếu mới).

Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng thêm gần 6.700 tỷ đồng, tương ứng mức tăng từ 44.667 tỷ đồng lên khoảng 51.367 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện dự kiến trong quý 3/2025.

Bên cạnh đó, ngân hàng vẫn giữ nguyên kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt 10%, đưa tổng tỷ lệ chia cổ tức năm 2024 lên 25%. Ước tính ACB sẽ chi khoảng 11.166 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức này, trong đó 4.466 tỷ đồng bằng tiền mặt. Sau chia, lợi nhuận chưa phân phối vẫn còn khoảng 12.467 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 tổ chức vào tháng 4 vừa qua, lãnh đạo ACB cho biết việc tăng vốn không chỉ nhằm bổ sung nguồn lực cho hoạt động tín dụng và đầu tư trái phiếu chính phủ, mà còn tạo nền tảng vững chắc để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng số và triển khai các dự án chiến lược trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 12/5, cổ phiếu ACB đóng cửa ở mức 24.400 đồng/cp, tăng 1,04% so với phiên cuối tuần vừa qua. Từ đầu tháng 4/2025, cổ phiếu ACB giảm mạnh, có lúc rơi xuống dưới mốc 21.000 đồng/cp – tương ứng mức giảm gần 20% chỉ trong vài phiên, đi kèm thanh khoản đột biến. Gần đây, giá đã phục hồi nhẹ lên vùng 24.400 đồng, nhưng vẫn chưa vượt khỏi vùng tích lũy ngắn hạn.

Về tình hình kinh doanh, tính đến hết quý 1/2025, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.600 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ. ACB cho biết, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do chủ động triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế. Dù lợi nhuận giảm, ngân hàng vẫn duy trì ROE (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) ở mức trên 20%.

Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản tại ACB mở rộng lên 819.674 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,2% so với cuối năm 2024. Tính đến cuối quý 1/2025, dư nợ tín dụng của ACB đạt khoảng 590.000 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Quy mô huy động vốn bao gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 664.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 4% so với cùng kỳ.

Về chất lượng tài sản, tuy nợ nhóm 3 và nhóm 4 (nợ cần chú ý và nợ nghi ngờ) tăng nhẹ nhưng chất lượng tài sản của ngân hàng tiếp tục được kiểm soát tốt với tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với cuối năm 2024, về mức 1,48%. Các chỉ số an toàn tài chính duy trì ở mức tích cực với tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) ở mức 79,8%; tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn là 18,8%; trong khi tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) đạt trên 11%, cao hơn đáng kể so với mức tối thiểu 8% theo quy định Basel II.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/acb-duoc-chap-thuan-tang-von-len-51367-ty-dong-41418.html
Zalo