Không ăn cá nóc để tránh ngộ độc, tử vong
Mặc dù các cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo tình trạng ngộ độc tử vong do ăn cá nóc, nhưng người dân ở vùng ven biển vẫn ăn và xảy ra ngộc độc.
5 người ngộ độc đang phục hồi sức khỏe
Liên quan đến vụ ngộ độc cá nóc mới đây xảy ra tại thôn 3, xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong), có 5 bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Bắc Bình Thuận đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận cấp cứu và điều trị. Bác sĩ chuyên khoa I Ngô Văn Ba - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận) cho biết: Đến nay, các bệnh nhân đang có dấu hiệu hồi phục tốt và được tiếp tục theo dõi, điều trị. Cụ thể, 4 bệnh nhân cải thiện tốt được chuyển sang Khoa Nội để tiếp tục theo dõi, điều trị. Dự kiến khoảng 1 tuần, 4 bệnh nhân này sẽ được xuất viện. Riêng bệnh nhân còn lại nặng hơn, tiếp tục chăm sóc ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc và dự kiến sẽ xuất viện sau vài ngày so với 4 bệnh nhân trên.
Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong cho biết: Người dân đi biển bắt được cá nóc vàng và về làm món um. Sau khi chế biến, 6 người tham gia vừa ăn vừa uống rượu vào lúc 11 giờ ngày 5/1/2025. Đến 15 giờ cùng ngày, có ca mắc đầu tiên nhập viện với triệu chứng tê đầu lưỡi, tê tay và yếu 1/2 thân dưới. Sau 1 giờ, tổng cộng có 6 người nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Bắc Bình Thuận. Mặc dù được các bác sĩ tích cực cấp cứu, nhưng có 1 người tử vong tại bệnh viện và 5 người còn lại được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận tiếp tục theo dõi và điều trị.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Tòng - Phó Giám đốc Sở Y tế, sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị cấp cứu kịp thời cho các bệnh nhân, chỉ đạo Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong tiến hành điều tra ngộ độc thực phẩm và thu thập mẫu thức ăn nghi ngờ. Tuy nhiên tại thời điểm điều tra không còn mẫu thức ăn, do người nhà bệnh nhân thông báo đã ăn hết.
Độc tố không phân hủy ở nhiệt độ cao
Một vài ngư dân cho biết: Vùng biển Bình Thuận thường gặp nhiều loại cá nóc như cá nóc thu, cá nóc mú, các nóc vàng, cá nóc nhím, cá nóc mít… Cá nóc xuất hiện quanh năm, đặc biệt nhiều nhất vào tháng 5, 6 và 9, 10. Mặc dù thịt cá nóc được cho là không chứa độc tố, nhưng cá bị dập nát hoặc để ươn, độc tố ngấm vào thịt và bằng mắt thường không thể nhận biết được. Khi ăn phải thịt cá có nhiễm độc tố, nguy cơ tử vong khá cao.
Được biết, cá nóc chứa độc tố tetradotoxin có khả năng gây tử vong cao. Nhiệt độ cao không phân hủy được độc tố này. Độc tố của cá nóc không đồng đều giữa các loài, các bộ phận trên cơ thể và thay đổi theo mùa, vùng địa lý cũng như giai đoạn phát triển. Chẳng hạn, phần gan, trứng… chứa hàm lượng độc tố cao nhất. Mùa sinh sản từ tháng 12 đến tháng 3, cá nóc cái có độ độc mạnh hơn cá đực, đặc biệt là trong giai đoạn đẻ trứng khi buồng trứng chứa hàm lượng độc tố tăng đáng kể.
Theo bác sĩ Ngô Văn Ba, độc tố tetradotoxin trong cá nóc là một loại chất cực kỳ nguy hiểm. Khi ăn phải cá nóc, độc tố sẽ phát tán rất nhanh. Tối đa trong vòng 3 giờ đầu, các triệu chứng ngộ độc sẽ xuất hiện. Tùy thuộc vào lượng độc tố xâm nhập vào cơ thể, diễn tiến có thể khác nhau. Những trường hợp nặng sẽ diễn tiến rất nhanh, dẫn đến ngưng tim, ngưng thở và tử vong. Thông qua nhiều kênh tuyên truyền, người dân đều biết cá nóc giàu dinh dưỡng, ngon nhưng có độc tố gây thiệt hại tính mạng nếu ăn. Vì vậy, người dân không nên ăn cá nóc là cách duy nhất để phòng tránh ngộ độc cá nóc.