Không ai bị bỏ lại phía sau trong nghịch cảnh

Những ngày này, Thái Nguyên trải qua cơn lũ lịch sử. Cả hệ thống chính trị của tỉnh, lực lượng Quân đội, Công an, cứu hộ, cứu nạn nỗ lực vào cuộc không kể ngày đêm, chạy đua từng giờ để hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng lũ với phương châm: Đảm bảo an toàn cho nhân dân là trên hết, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ đưa người dân, trong đó có nhiều em nhỏ và người già, đến khu vực an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ đưa người dân, trong đó có nhiều em nhỏ và người già, đến khu vực an toàn.

Có mặt tại nhiều tuyến đầu chống “giặc nước”, phóng viên Báo Thái Nguyên ghi nhận được nhiều hình ảnh, câu chuyện xúc động; tinh thần khẩn trương, lăn xả của các lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai. Những bộ quân phục ướt đẫm từ đầu đến chân, những đôi tay không ngơi nghỉ giây phút nào, những tiếng hô: “Còn ai nữa không? Các đồng chí kiểm tra lại, không bỏ sót bất cứ nhà dân nào!”… vang vọng giữa vùng nước lớn. Có sản phụ đến ngày sinh nhưng nhà bị ngập sâu được tiếp cận để đưa đến cơ sở y tế kịp thời…

Trong suốt hơn 3 ngày qua, các lực lượng, chủ lực là lực lượng Quân đội, Công an, Dân quân, đã đưa hàng chục nghìn người sơ tán đến nơi an toàn. Riêng Công an tỉnh đã huy động trên 4.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, 1.035 phương tiện tuần tra, cứu hộ, chở quân, 100 xuồng máy, xuồng cao su và trên 500 áo phao, phao cứu sinh để sơ tán, di dời người dân. Các lực lượng sử dụng xuồng cứu hộ để tiếp cận từng nhà bị ngập sâu, bảo đảm không bỏ sót bất kỳ ai ở lại vùng nguy hiểm.

TP. Thái Nguyên tiếp nhận ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để hỗ trợ người dân vùng lũ.

TP. Thái Nguyên tiếp nhận ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để hỗ trợ người dân vùng lũ.

Tinh thần đoàn kết, tình đồng chí – đồng bào, tương thân tương ái được thắt chặt, lan tỏa mạnh mẽ. Những người vốn chưa từng quen biết, nay nắm chặt tay nhau cùng vượt qua bão lũ, chia sẻ với nhau từng hộp cơm, từng chai nước, những lời động viên ấm lòng… Riêng TP. Thái Nguyên tính đến trưa 10-9 đã tiếp nhận sự ủng hộ của hàng chục tổ chức, đoàn tài trợ, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh: 1 xuồng máy, 115 thuyền, gần 2.000 áo phao; trên 2.500 đèn pin; gần 800 thùng sữa; 444 thùng bánh mỳ, 238 bánh ruốc, 600 bánh mỳ trứng; 320 thùng nước; gần 750 thùng mỳ tôm; 22 thùng lương khô; gần 1.000 suất cơm và rất nhiều đồ dùng thiết yếu khác.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống lũ tại đập Thác Huống, sáng 9-9.

Với tinh thần chủ động, chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc; động viên lực lượng làm nhiệm vụ, đặc biệt là tại những điểm xung yếu; chia sẻ, chỉ đạo hỗ trợ kịp thời người dân ở những nơi bị ảnh hưởng nặng. Những cuộc họp, những cuộc kiểm tra thực tế cũng bất kể ngày đêm… Cả hệ thống chính trị được huy động cùng vào cuộc.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh kêu gọi các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh, góp phần chia sẻ khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân…

Trong cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy chiều 10-9, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng, sau khi nghe báo cáo, đề xuất giải pháp của các đại biểu, yêu cầu UBND tỉnh xây dựng ngay kế hoạch khắc phục hậu quả mưa lũ đảm bảo sát thực tế, khả thi cao, theo phương châm 3 rõ - “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” - của từng cấp, từng tổ chức, cá nhân; tiếp tục rà soát, di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, mất an toàn; rà soát vật tư, trang thiết bị phòng, chống lụt bão đảm bảo đầy đủ, kịp thời, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ; thường xuyên, kịp thời thông tin, báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy bằng hình thức phù hợp; chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra...

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng kiểm tra, động viên lực lượng gia cố đê trên địa bàn TP. Thái Nguyên đêm 9-9, ngay sau cuộc họp khẩn.

Trước bão số 3 và liên tục trong những ngày mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành nhiều công điện khẩn, yêu cầu các cấp, ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa bão; thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”. Ngay tối qua (10-9), Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện về việc khẩn trương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng.

Các nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này như: đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân, tuyệt đối không để người nào bị thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch, đói, rét hoặc các vật dụng cần thiết khác; đảm bảo công tác y tế, các điều kiện để đón học sinh trở lại trường; khôi phục giao thông… được tỉnh chỉ đạo triển khai khẩn trương, quyết liệt.

Lực lượng quân đội hỗ trợ các trường khắc phục hậu quả mưa lũ để đón học sinh đi học trở lại, sáng 11-9.

Lực lượng quân đội hỗ trợ các trường khắc phục hậu quả mưa lũ để đón học sinh đi học trở lại, sáng 11-9.

Mực nước lũ sông Cầu tại Trạm thủy văn Gia Bẩy lúc 7h sáng nay (11-9) là 2734cm (đỉnh lũ lúc 1h ngày 10-9 là 2881cm) và đang xuống chậm. Hiện nay, công tác khắc phục hậu quả tiếp tục được tiến hành khẩn trương với sự tham gia của nhiều lượng cùng nhân dân những vùng bị ảnh hưởng.

Tinh thần là chủ động, khẩn trương, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với trách nhiệm và khả năng cao nhất, nhưng thiên tai là bất khả kháng, có những tình huống vượt dự báo, dự tính. Vậy nên, những thiệt hại, mất mát là khó tránh khỏi.

Đợt lũ lịch sử này vẫn chưa đi qua, bởi còn nhiều khu vực ven sông Cầu thuộc TP. Thái Nguyên, huyện Phú Bình, TP. Phổ Yên… vẫn bị ngập; nhiều hộ phải sơ tán chưa thể trở về nhà; thiệt hạ chưa được thống kê đầy đủ; công tác khắc phục vẫn đang rất khẩn trương, nhưng có thể nói Thái Nguyên đang và sẽ vững vàng vượt qua thử thách rất lớn do thiên tai này, không ai bị bỏ lại phía sau trong nghịch cảnh.

Lực lượng chức năng TP. Sông Công đưa đồ ăn, nước uống tiếp tế cho người dân vùng lũ bị cô lập.

Lực lượng chức năng TP. Sông Công đưa đồ ăn, nước uống tiếp tế cho người dân vùng lũ bị cô lập.

Mạng xã hội là một kênh rất hữu ích để lan truyền thông tin, nhưng không phải là nơi để phát tán, chia sẻ những thông tin thất thiệt, sai sự thật, suy diễn, phiến diện, gây hoang mang dư luận, chia rẽ khối đại đoàn kết, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác khắc phục hậu quả thiên tai hiện nay tại Thái Nguyên, cũng như các địa phương khác cùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão lịch sử này.

T.Q

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202409/khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-trong-nghich-canh-f6315eb/
Zalo