Phó Thủ tướng: Bức tranh kinh tế của ngành Công Thương thể hiện nhiều kết quả toàn diện
Vượt qua những khó khăn, ngành Công Thương đã đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và phát huy vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Dù khó khăn đến mấy, ngành Công Thương phải là ngành chủ lực
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 17/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, buổi làm việc với Bộ Công Thương để lắng nghe và nắm bắt công việc chung, tình hình chung của Bộ về công tác triển khai nhiệm vụ trong 8 tháng năm 2024 và công tác xây dựng ngành Công Thương. Bên cạnh đó, nắm tình hình triển khai công việc từ đầu năm đến nay và những phương hướng trọng tâm công tác trong những tháng cuối năm và thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao lãnh đạo Bộ Công Thương trong thời gian ngắn đã tích cực chuẩn bị Báo cáo phục vụ buổi làm việc. Báo cáo khái quát nhưng khá toàn diện về ngành Công Thương.
“Nhìn tổng quát trong chức năng, nhiệm vụ, cần nhìn nhận trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến chỉ đạo trực tiếp, Bộ Công Thương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên tất cả lĩnh vực một cách sâu sát, toàn diện đến đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh” – Phó Thủ tướng nhận định.
Đặc biệt, từ trước đây, Bộ Công Thương đã được xem là siêu bộ và được định hình về chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như triển khai các chính sách về thương mại và hoạt động kinh tế quốc tế. Theo đó, có thể thấy vai trò của Bộ là đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước.
Dựa trên chức năng, nhiệm vụ về tình hình công tác của Đảng và Nhà nước sau 8 tháng qua, trong bối cảnh kinh tế, khu vực, trong nước còn rất nhiều khó khăn, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành… chúng ta đã triển khai toàn diện các mặt công tác, kể cả về chính trị, đối ngoại, quốc phòng an ninh, đến các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và đã đạt được những kết quả rất quan trọng.
Trong những thành công chung đó có sự đóng góp của Bộ Công Thương, từ công tác quản lý của các lãnh đạo Bộ đến các tập đoàn, tổng công ty chủ lực. Trong chiến lược điều hành đã đóng góp rất lớn vào kết quả chung của đất nước.
"Đặc biệt, trong 4 năm qua, vượt qua giai đoạn khó khăn Covid-19 khôi phục và phát triển đất nước, cùng với những khó khăn nền kinh tế thế giới, song với những kết quả của ngành, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, tôi xin biểu dương những kết quả đạt được của Bộ từ đầu nhiệm kỳ đến nay và đặc biệt trong 8 tháng qua" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong báo cáo, Bộ cũng đã nêu rõ những hạn chế, khó khăn trong triển khai nhiệm vụ. Theo đó, Phó Thủ tướng đã nêu 3 nhiệm vụ trọng tâm cần phải xử lý trong thời gian tới.
Thứ nhất, đất nước ta đang bước vào giai đoạn mới, thời kỳ mới, vươn lên thực hiện khát vọng tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây là mục tiêu và khát vọng đặt ra đối với các cấp, ngành.
Với tinh thần đó thì có 3 vấn đề mà chúng ta phải tập trung xử lý, một là tiếp tục hoàn thiện các thể chế tài chính. Tôi rất hoan nghênh trong thời gian qua Bộ đã đóng góp nhiều trong xây dựng các Luật, rồi các Nghị định, Thông tư. Tuy nhiên, quan trọng hơn về thể chế, chúng ta cần tập trung tháo gỡ khó khăn. Hai là kiến tạo cho phát triển.
Việc tháo gỡ song song 2 điểm mấu chốt này mới có thể mở đường, tạo ra khung pháp lý phát triển cho tương lai.
"Theo đó, tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo xây dựng hoàn thiện các thể chế pháp luật, kể cả văn bản pháp luật Bộ đang trình hiện nay, trong đó có cả Luật Điện lực, Luật hóa chất, và đồng thời một loạt nghị định… Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhiều doanh nghiệp đã nêu tại buổi làm việc" - Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Công Thương tiếp tục cùng Chính phủ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế xã hội. Dù khó khăn đến mấy, ngành Công Thương phải là ngành chủ lực với nhiều lĩnh vực quan trọng như công nghiệp, thương mại, điện lực, dầu khí… là những ngành mũi nhọn, thiết thực để phục hồi kinh tế.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc các dự án còn tồn đọng
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo thực hiện 3 nội dung: Một là, xây dựng được quy chế, quy định, hay các nghị định để khuyến khích phát triển ngành điện, trước mắt trong các dự án năng lượng tái tạo (trong đó có điện ngoài khơi).
Hai là, tiếp tục tập trung vào triển khai Quy hoạch Quốc gia, Quy hoạch Điện VIII đã xong, cần tiếp tục điều chỉnh. Quyết tâm, củng cố tháo gỡ những dự án đang tồn đọng, trong đó có những dự án điện để phục hồi cho phát triển kinh tế. Bên cạnh đó là các dự án ngành dầu khí – lĩnh vực đóng góp nhiều cho kinh tế xã hội.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Công Thương cần tăng cường hợp tác quốc tế, cần tận dụng, khai thác tốt các FTA đã ký. Đồng thời tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA mới trong đó đàm phán FTA với khu vực vùng Vịnh.
Trong lĩnh vực thương mại, Bộ cũng đã làm rất tốt, vừa qua, trong thời gian xảy ra bão lụt, ngành cũng đã rất nỗ lực đảm bảo hàng hóa thông suốt. Trong đó, chúng tôi đánh giá rất cao chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Về thương mại điện tử, Bộ cũng đã làm rất tốt, với tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam ngày càng tăng trong khu vực và quốc tế. Thời gian tới, cần tăng cường thúc đẩy hơn nữa thương mại điện tử để đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế.
Thứ ba, công tác chuyển đổi số, kinh tế số. Ngoài đề xuất của Bộ Công Thương, đề nghị Bộ Công Thương làm việc với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) để triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Kết hợp với chuyển đổi số cần tăng cường cắt giảm các thủ tục hành chính, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đối với các đề xuất của Bộ và các tập đoàn, tổng công ty sẽ được văn phòng Chính phủ ghi chép, xem xét, với mục tiêu tập trung tháo gỡ vướng mắc các dự án còn tồn đọng, khơi thông phát triển, đặc biệt là xây dựng cơ chế thuận lợi cho các dự án mới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp thu các ý kiến, tuân thủ chỉ đạo của Phó Thủ tướng, sự điều hành của Chính phủ. Đồng thời, Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp tục có những chỉ đạo kịp thời các đơn vị liên quan cũng như nâng cao nhiệm vụ, chức năng của ngành Công Thương với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.