Khởi tố hơn 30 bị can trong các vụ sữa, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng giả
Thông tin trên được Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an đưa ra tại tại họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 6/5.
Trả lời câu của phóng viên về tiến độ điều tra và kết quả điều tra ban đầu đối với các vụ sữa giả và thuốc chữa bệnh giả bị triệt phá gần đây, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, vụ thứ nhất là sản xuất, buôn bán, kinh doanh sữa giả và thuốc giả.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an thông tin tại buổi họp báo.
Đến ngày 29/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 15 đối tượng để điều tra về các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, thực phẩm; vi phạm các quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; đưa hối lộ và môi giới hối lộ.
Vụ thứ hai là sản xuất, mua bán hàng giả, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Đến ngày 29/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng về tội danh Sản xuất, buôn bán hàng giả thuốc phòng bệnh, chữa bệnh.
Vụ thứ ba là sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sử dụng kết quả thử nghiệm giả mạo để đưa sản phẩm ra thị trường do Công ty TNHH Hirbitech sản xuất.
Ngày 28/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với 4 bị can gồm: Phạm Vũ Khiêm (Giám đốc Công ty TNHH Herbitech); Vương Thị Hoa; Lê Thị Hồng Vân; Bùi Thị Thu Hà là Kế toán trưởng, hoặc phụ trách Kế toán của Công ty Herbitech trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cùng tội danh Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, kết quả điều tra, Phạm Văn Khiêm đã chỉ đạo Vương Thị Hoa, Lê Thị Hồng Vân, Bùi Thị Thu Hà lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, một hệ thống để khai thuế, thể hiện số lượng sản xuất hàng hóa, kinh doanh ít hơn nhiều so với thực tế.
Hệ thống thứ hai để theo dõi chi tiêu nội bộ với đầy đủ số hàng hóa sản xuất, kinh doanh, số tiền thu được và không kê khai thuế. Để ngoài sổ sách kế toán số tiền hơn 121 tỉ đồng.
Bước đầu xác định, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền thuế lẽ ra phải nộp hơn 10 tỉ đồng. Bên cạnh đó, quá trình điều tra vụ án này, Cơ quan điều tra đã xác định 2 sản phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty TNHH Herbitech sản xuất là hàng giả.
Đồng thời, cơ quan chức năng đã thu giữ 115 mẫu sản phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty Herbitech sản xuất có dấu hiệu là hàng giả đang chờ kết quả giám định.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, nhiều người đã bất chấp quy định của pháp luật, coi thường sức khỏe của người dân để thu lợi.
Về vấn đề thuốc chữa bệnh giả, sữa giả, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, vụ việc sữa giả xảy ra thời gian qua thực sự rất nghiêm trọng, đặc biệt là các sản phẩm liên quan trực tiếp đến trẻ nhỏ và người bệnh, những đối tượng cần bảo đảm dinh dưỡng đặc biệt.
“Đây là vấn đề vi phạm đạo đức kinh doanh rất nghiêm trọng của các tổ chức, cá nhân đã vì lợi nhuận mà bất chấp, bắt tay nhau thiết lập đường dây có tổ chức để trục lợi trong thời gian dài.
Họ đã bất chấp quy định của pháp luật, coi thường sức khỏe của người dân để thu lợi. Đây là những hành vi rất đáng lên án và cần xử lý nghiêm để làm bài học cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chỉ ra nguyên nhân và cho rằng, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan là do ý thức của người tham gia kinh doanh, đạo đức của họ, lợi dụng sức khỏe của người dân để trục lợi.
Bên cạnh đó, chúng ta đang tiến tới lộ trình quản lý tiên tiến nên một số sản phẩm chúng ta để các doanh nghiệp, cá nhân tự công bố. Lợi dụng quy định này, một số tổ chức, cá nhân tự công bố chất lượng và quảng bá nhiều sản phẩm không đúng sự thật.
Trong khi đó, nguồn lực để giám sát vẫn mỏng và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Thời gian tới, để khắc phục bất cập này, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng triển khai thực hiện.
Tiếp theo, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Luật Dược sửa đổi, sắp tới sẽ tiếp tục trình Chính phủ ban hành Luật An toàn thực phẩm sửa đổi cùng với các nghị định có liên quan.
Trong quá trình thực hiện xây dựng Luật, Nghị định, Thông tư, sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan và các doanh nghiệp để quản lý chặt chẽ nhất các sản phẩm này nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân.