Khơi thông trụ cột thể chế, kích hoạt phát triển kinh tế vùng Nam Bộ

Ngày 29/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng Nam Bộ và lân cận'.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ nhấn mạnh, mặc dù đóng góp GDP lớn nhất so với các vùng khác trong cả nước song vùng Nam Bộ vẫn được đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của vùng.

Trong giai đoạn mới, với xu thế hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, mở ra nhiều cơ hội, thách thức cho vùng đầu tàu kinh tế của Việt Nam trong phát triển nhanh và bền vững.

Đề cập đến liên kết vùng và liên kết trong phát triển bền vững, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng cho rằng, cùng với sự phát triển, hàng loạt vấn đề mới nổi lên mà một địa phương riêng lẻ không thể tự giải quyết được hoặc tự giải quyết không hiệu quả như giao thông liên vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường, tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chủ động đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phát biểu tại hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phát biểu tại hội thảo.

Ngoài những trụ cột cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các nguồn lực khác (công nghệ, tài chính, văn hóa, xã hội…), thì cần phải nhìn nhận một trụ cột có tính quan trọng và kích hoạt cho sự phát triển vượt bậc, để khơi thông mọi nguồn lực, tiềm năng của vùng Nam Bộ đó chính là trụ cột thể chế.

Trong đó, có những vấn đề về thể chế phát triển bền vững và thể chế liên kết vùng để phát triển.

Nếu khơi thông được trụ cột thể chế, sẽ giúp kích hoạt, khơi thông toàn bộ nền kinh tế và xã hội.

Từ đó, sẽ lan tỏa và khơi thông các yếu tố trụ cột quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia, vùng, và từng địa phương như cơ sở hạ tầng, nguồn lực công nghệ, nguồn lực tài chính, nguồn lực văn hóa, nguồn lực xã hội khác….

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận các nội dung chính: Các vấn đề lý luận, căn cứ pháp lý và thực tiễn về thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng và những vấn đề đặt ra cho vùng Nam Bộ và lân cận hiện nay.

Đánh giá thực trạng, nhận diện các vấn đề tồn tại của thể chế và những vấn đề đặt ra cho phát triển bền vững trong liên kết vùng...

Và đề xuất giải pháp, khuyến nghị chính sách như dự báo xu hướng, xây dựng luận điểm và đề xuất giải pháp để hoàn thiện thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng và những vấn đề đặt ra cho vùng Nam Bộ và lân cận.

Bàn luận về thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thạc sĩ Phạm Quỳnh Lan, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho biết, việc xây dựng một thể chế vững mạnh giúp định hình các chính sách hợp lý, tạo ra cơ chế giám sát và quản lý hiệu quả và khuyến khích sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Điều này đặc biệt quan trọng trong các khu vực có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội như Đồng bằng sông Cửu Long.

Việc xây dựng thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Văn Quang, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền nam, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế liên kết vùng Đông Nam Bộ.

Theo đó, vùng cần đổi mới tư duy trong quá trình xây dựng thể chế liên kết vùng; cần thay đổi mạnh mẽ tư duy “nhiệm kỳ”, “giới hạn theo địa giới hành chính” và cơ cấu kinh tế “khép kín”…

Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện những chính sách thúc đẩy liên kết vùng; tăng cường hiệu lực thực thi các quy định về liên kết vùng; tăng cường cơ chế theo dõi, đánh giá, giám sát… trong liên kết vùng.

CAO TÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khoi-thong-tru-cot-the-che-kich-hoat-phat-trien-kinh-te-vung-nam-bo-post839254.html
Zalo