Khơi thông thị trường trong nước - Bài cuối: 'Đánh thức' sức mua của thị trường nội địa

Tăng cường khuyến mãi, đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở các địa phương, kết nối sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại; thúc đẩy tiêu dùng thông minh qua chuyển đổi số là những giải pháp đang được các doanh nghiệp triển khai để kích cầu mua sắm cuối năm.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Câu chuyện của doanh nghiệp

Là một trong những đơn vị tiên phong đăng ký tham gia chương trình "Tự hào hàng Việt sánh vai cùng thương hiệu toàn cầu" do Bộ Công Thương tổ chức vào đầu tháng 12/2024, bà Nguyễn Giang Hương Ly, đại diện Văn phòng phẩm Deli Việt Nam, cho biết, Deli ưu đãi 15%-20% giá sản phẩm trong suốt chương trình.

Những sản phẩm trước đây có sản lượng tiêu thụ ít thì nay có thể tiếp cận được đến đông đảo người tiêu dùng thông qua livestream, chương trình khuyến mại. Các nhóm danh mục kinh doanh của đơn vị như:

Văn phòng phẩm, đồ thể thao, máy móc văn phòng, nhà cửa, đồ chơi trẻ em, dụng cụ… hiện được bán tại 35 cửa hàng trên 4 nền tảng thương mại điện tử. Năm 2024, kênh thương mại điện tử của Deli tăng trưởng 85% so với năm 2023. Số lượng đơn hàng trên các nền tảng đạt 10.000 đơn/ngày.

Thời gian cao điểm có thể đạt 35.000 đơn/ngày. Năm 2025, Deli có kế hoạch mở rộng ngành hàng mới đáp ứng nhu cầu của thị trường như: Công cụ dụng cụ, nhà cửa, thiết bị văn phòng, với mục tiêu tăng trưởng 200% - 300%.

Tập trung vào chất lượng, thực hiện các chương trình ưu đãi và tăng cường đưa sản phẩm lên các nền tảng số cũng là cách nhiều doanh nghiệp đang áp dụng để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc điều hành thương hiệu thời trang Juno, việc tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo ra các chương trình ưu đãi hấp dẫn như giảm giá lên tới 50% dịp cuối năm, kết hợp với miễn phí vận chuyển vào những dịp lễ đặc biệt đã giúp doanh nghiệp tăng doanh số tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với tập đoàn Kido, cuối năm là thời điểm "vàng" để doanh nghiệp kích cầu tiêu dùng thông qua hàng loạt voucher ưu đãi 15% - 20% trên các nền tảng thương mại điện tử và tham gia các sự kiện mua sắm lớn như Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia, Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam...

Ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Kido, chia sẻ: "Tập đoàn chú trọng phát triển các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm đông lạnh, dầu ăn, mì ăn liền, hạt nêm và các sản phẩm tiện lợi khác, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của mọi gia đình. Chúng tôi mong muốn không chỉ tăng trưởng trong thị trường nội địa mà còn mở rộng cơ hội đưa hàng Việt ra thế giới".

Chương trình giới thiệu sản phẩm được tổ chức tại nhiều địa phương để kích cầu mua sắm cuối năm

Chương trình giới thiệu sản phẩm được tổ chức tại nhiều địa phương để kích cầu mua sắm cuối năm

Đa dạng chương trình kích cầu tiêu dùng cuối năm

Cuối năm là thời điểm "vàng" để thúc đẩy tiêu dùng. Bộ Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình kích cầu mua sắm. Có thể kể đến Chương trình "Tuần lễ mua sắm nội địa", được tổ chức từ ngày 15/12 đến 31/12/2024, tập trung vào các ngành hàng thiết yếu như thực phẩm, quần áo và đồ gia dụng, với mức giảm giá từ 30% đến 70%.

Tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP tại các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại. Các chương trình tiêu dùng "xanh", khuyến khích doanh nghiệp kết hợp chương trình giảm giá với việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững…

Tại các địa phương như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Hòa Bình…, phiên chợ cuối tuần, phiên chợ vùng miền được tổ chức, hứa hẹn thu hút sự quan tâm từ người tiêu dùng.

Đặc biệt, sự bùng nổ của công nghệ số đã mở ra cơ hội để sản phẩm OCOP, sản phẩm vùng miền tiếp cận thị trường. Chị Nguyễn Thị Bình (Hợp tác xã Thiên Phúc, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trước đây, đầu ra của Hợp tác xã rất hạn chế nhưng nhờ livestream và các nền tảng thương mại điện tử khác mà Hợp tác xã kết nối, tiêu thụ

Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cần có thêm nhiều chương trình kết nối cung-cầu giữa các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

"Chúng ta cần tổ chức nhiều hội chợ thương mại, kết hợp với các kênh trực tuyến để mở rộng thị trường tiêu thụ. Các chương trình này không chỉ tạo "cầu nối" giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng mà còn giúp nâng cao nhận thức về giá trị của sản phẩm Việt", ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.

Tuấn Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khoi-thong-thi-truong-trong-nuoc-bai-cuoi-danh-thuc-suc-mua-cua-thi-truong-noi-dia-20241218161722344.htm
Zalo