Khơi thông nguồn lực từ các dự án vướng mắc, tồn đọng

Việc tháo gỡ khó khăn ở các dự án tồn đọng, vướng mắc sẽ khơi thông nguồn lực rất lớn và cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phát sinh khó khăn như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tại phiên họp. Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tại phiên họp. Ảnh: QH

Đây là vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý và Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo làm rõ tại phiên họp sáng 24/4, với nội dung xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2024.

Tiết kiệm 64.014 tỷ đồng kinh phí, vốn nhà nước

Theo báo cáo của Chính phủ, thu ngân sách nhà nước thực hiện năm 2024 đạt 2,043 triệu tỷ đồng, tăng 342.700 tỷ đồng, tương đương tăng 20,1% so dự toán và báo cáo Quốc hội. Chi ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt 1,83 triệu tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán.

Công tác điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2024 được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2024 theo báo cáo của bộ, ngành, địa phương là 64.014 tỷ đồng.

Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2024 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.

Năm 2024, ngành Thanh tra đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính và 118.983 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (đã lồng ghép nội dung thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí).

Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất; kiến nghị thu hồi 85.403 tỷ đồng và thu hồi 41 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 72.183 tỷ đồng, 204 ha đất; ban hành 105.108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, với số tiền 4.150 tỷ đồng...

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Đánh giá cao những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh điểm lại một số kết quả nổi bật như hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nền kinh tế tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được đảm bảo.

Cùng với thu ngân sách vượt dự toán cao, Chính phủ đã tiết kiệm chi thường xuyên và các khoản chi không cần thiết giúp bổ sung nguồn lực cho các dự án, công trình trọng điểm, công tác an sinh xã hội. Đặc biệt, việc thực hiện cải cách tiền lương, nâng lương theo lộ trình đã giúp nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần người dân. Cùng với đó, nợ công được kiểm soát chặt chẽ, trong phạm vi an toàn, giảm thiểu rủi ro tài chính.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cũng lưu ý một số tồn tại như tình trạng văn bản pháp luật chưa đồng bộ, quy định pháp lý chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho việc thực thi. Mặc dù giải ngân tăng nhưng một số dự án vẫn chưa triển khai đúng tiến độ, một số địa phương giải ngân khó khăn. Một số quỹ tài chính nhà nước hiệu quả không cao, không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, dẫn tới lãng phí nguồn lực.

Thu hồi các dự án "bất động" nhiều năm

Quan tâm đến các dự án tồn đọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần bổ sung các giải pháp xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án này để giải phóng nguồn lực rất lớn cho phát triển kinh tế.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, thực tế có những dự án "nằm im bất động", đất để không nhiều năm, nhưng chỉ cần ra lệnh "không làm thì thu hồi", ngay lập tức một số dự án triển khai được ngay. Thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát tất cả các dự án chậm triển khai để tháo gỡ vướng mắc, đưa dự án vào triển khai. Đồng thời, tháo gỡ cơ chế chính sách để đưa những dự án chưa triển khai đi vào thực tiễn, đẩy nhanh dòng chảy nguồn lực trong nền kinh tế.

Đối với loại dự án “đăng ký để đó”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thống kê lại và thu hồi nếu không triển khai được; rà soát xử lý các tài sản công đang sử dụng không hiệu quả… Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp bộ máy của cả hệ thống chính trị, cần quan tâm vấn đề quản lý tài chính, tài sản để chống thất thoát lúc sáp nhập, chuyển đổi.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cảm ơn ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng cho biết sẽ hoàn thiện báo cáo để làm rõ hơn những vấn đề được nêu liên quan đến tồn tại, hạn chế, giải pháp và đặc biệt là các chỉ đạo, hành động liên quan đến tháo gỡ các khó khăn cho các dự án tồn đọng.

Theo Bộ trưởng, nguồn lực có thể khai thác từ các dự án tồn đọng là rất lớn và rất cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế phát sinh khó khăn như hiện nay. Vấn đề ở đây không chỉ là tài sản tồn đọng ở các dự án mà là nếu các dự án được các doanh nghiệp đưa vào vận hành thì sẽ tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, để đẩy nhanh tiến độ các dự án nói chung, Chính phủ đã có nhiều giải pháp cụ thể. Về thể chế, ngay trong Kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để sửa đổi một loạt các luật như Luật Đấu thầu, Luật PPP, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công…, Bộ trưởng cho hay.

Tập trung xử lý dứt điểm các dự án, không để lãng phí nguồn lực

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát các dự án có khó khăn vướng mắc, tồn đọng kéo dài, khẩn trương có giải pháp xử lý dứt điểm để triển khai ngay các dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không để lãng phí tài sản, tiền của nhà nước, doanh nghiệp, người dân và xã hội.

Để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các công việc cụ thể và thường xuyên, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Ngày 30/3/2025, chủ trì Phiên họp Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thống nhất việc nhập dữ liệu, cung cấp thông tin về các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, đến ngày 25/3, tổng số có 1.533 dự án được các cơ quan, địa phương báo cáo đang gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án PPP. Ngoài ra, Bộ Tài chính nhận được văn bản của doanh nghiệp phản ánh về 12 dự án gặp khó khăn, vướng mắc.

Bộ Tài chính đã sơ bộ phân loại các khó khăn, vướng mắc thành 17 nhóm vấn đề liên quan như: Xử lý tài sản công; quản lý, sử dụng, bố trí vốn đầu tư công; chuyển mục đích sử dụng đất; dừng, thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án… Đồng thời, phân loại các dự án theo thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc của: Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành, địa phương.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoi-thong-nguon-luc-tu-cac-du-an-vuong-mac-ton-dong-175305-175305.html
Zalo