Khơi thông nguồn lực phát triển
Ngành công thương cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch, khơi thông cho phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại
Chiều 23-12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành công thương năm 2025.
Tinh giản gần 18% đầu mối đơn vị
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết năm 2024, ngành công thương quyết liệt "tinh, gọn, mạnh" bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong. Năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai rà soát tổ chức bộ máy Bộ Công Thương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đánh giá tổng kết việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Công Thương qua 4 nhiệm kỳ (20 năm), phục vụ xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2026-2031.
Theo ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2025, EVN quyết liệt bảo đảm cung ứng điện để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế; tiếp tục con đường tăng năng suất lao động, chuyển đổi số và tinh gọn bộ máy, chống lãng phí. Chủ tịch EVN kiến nghị sớm điều chỉnh Quy hoạch điện VIII; đồng thời, các địa phương hỗ trợ tập đoàn trong việc đầu tư công trình nguồn và lưới điện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa nguồn lực vào sản xuất và tăng cung ứng điện cho quốc gia.
Là "thủ phủ" năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, kiến nghị Bộ Công Thương sớm tham mưu Chính phủ điều chỉnh đồng bộ Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch điện VIII, các quy hoạch ngành quốc gia về phát triển điện hạt nhân; hoàn thiện hệ thống pháp luật về điện hạt nhân; đồng thời hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo đang gặp vướng mắc.
Đẩy mạnh cải cách thể chế
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng đất nước đang bước vào giai đoạn bước ngoặt, ngành công thương càng cần đột phá về cải cách thể chế, cơ chế, chính sách; cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch, khơi thông cho phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại. Xây dựng thể chế chính sách để sớm triển khai Luật Điện lực sửa đổi, khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án điện năng lượng tái tạo… Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Công Thương cần nhanh chóng cơ cấu bảo đảm tổ chức mới phải hiệu quả, hiệu lực hơn. "Lãnh đạo bộ cần quan tâm quán triệt nhiệm vụ, ổn định tâm lý, giải quyết thỏa đáng quyền lợi chính sách cho cán bộ khi sắp xếp" - Phó Thủ tướng lưu ý.
Cùng ngày, tại diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển", đại tá Nguyễn Hữu Sơn, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an, cũng kiến nghị một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lãng phí như: Cần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (trọng tâm là điều 31, 32, 40 và 54 trong Quy định số 69 ngày 6-7-2022 của Bộ Chính trị). Cùng với đó, rà soát các quy định của pháp luật liên quan các lĩnh vực kinh tế - xã hội dễ nảy sinh lãng phí. "Kịp thời phát hiện các hành vi, vụ việc gây lãng phí để điều tra làm rõ, với phương châm "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng", thu hồi triệt để tài sản bị lãng phí, thất thoát cho nhà nước" - Phó Cục trưởng C03 nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, ngành công thương chiếm tỉ trọng rất lớn của nền kinh tế. Nếu ngành công thương làm tốt nhiệm vụ tiết kiệm, chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực khơi thông cho phát triển kinh tế đất nước.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục gần 800 tỉ USD
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, xuất nhập khẩu năm 2024 là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỉ USD), tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 403 tỉ USD (vượt xa mức 354,7 tỉ USD của cả năm 2023), tăng 13,6% so với năm 2023, đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á. Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỉ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỉ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.