Khơi thông nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ

Trong khuôn khổ Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 15/2, Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Nghị quyết).

 UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ. Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp

UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ. Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp

UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Huế Lê Trường Lưu điều hành phiên thảo luận tại tổ 7, gồm các Đoàn ĐBQH: Huế, Thái Nguyên, Đồng Nai.

Thảo luận tại phiên họp, các ĐBQH cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Điều đó sẽ thể chế hóa một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Sau khi được Quốc hội thông qua, việc thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 -2030.

Các đại biểu góp ý vào một số nội dung liên quan tới quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; việc điều hành, thành lập doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Tham gia thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Huế Lê Trường Lưu cho rằng, trong dịch vụ chuyển đổi số và quản lý số hóa của địa phương cần cho phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu, đó là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước. Ông Lê Trường Lưu cũng băn khoăn về khái niệm “Nhiệm vụ khoa học công nghệ mở mới” được quy định tại Điều 7. Ông Lưu cho biết, hàng năm, có các nhiệm vụ khoa học công nghệ chuyển tiếp, nhiệm vụ khoa học công nghệ mới, có nghĩa là mới được đề ra, do vậy, đối với khái niệm “Nhiệm vụ khoa học công nghệ mở mới” cần được làm rõ thêm.

 Đại biểu Nguyễn Hải Nam tham gia thảo luận ở tổ. Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp

Đại biểu Nguyễn Hải Nam tham gia thảo luận ở tổ. Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp

Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đoàn ĐBQH thành phố Huế tham gia ý kiến vào nội dung về các nghiên cứu khoa học nếu không tạo được kết quả thì được miễn trách nhiệm dân sự cũng như miễn trách nhiệm tài chính. Ông Nguyễn Hải Nam cho rằng, trường hợp khi thực hiện nghiên cứu khoa nghiêm túc, xứng đáng, nỗ lực hết sức nhưng mà vẫn không đem lại kết quả thì cần cân nhắc.

Tại khoản 5, Điều 9, ông Nam cho rằng cụm từ “Trong trường hợp cần thiết” rất khó xác định cụ thể, do vậy đề nghị ban soạn thảo làm rõ “Trong trường hợp cần thiết” là như thế nào; đồng thời, rút ngắn thời gian 5 năm thành 3 năm được quy định tại khoản 6, Điều 9.

* Trước đó, tham gia thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Thị Sửu cũng nêu ý kiến góp ý về quy định đơn vị hành chính tại Điều 1. Bà Nguyễn Thị Sửu đề nghị bỏ cụm từ “Do Quốc hội quyết định thành lập” trong điểm d, khoản 1 của điều này.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu tham gia thảo luận ở hội trường. Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu tham gia thảo luận ở hội trường. Ảnh: Đoàn ĐBQH thành phố cung cấp

Đối với tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính tại Điều 2, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, ban soạn thảo cần nghiên cứu thiết kế lại quy định “Trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương” ở cuối của khoản 1. “Vì đây là luật trong tổ chức chính quyền địa phương nên các mô hình, tổ chức chính quyền địa phuơng phải được đưa vào luật và được Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Nếu quy định như dự thảo có thể hiểu, bên cạnh chính quyền địa phương như luật định có thể tồn tại một chính quyền khác không phải là chính quyền địa phương… Điều này có thể vi phạm các quy định Hiến pháp 2013 tại Điều 110 và khoản 2, Điều 111”, bà Sửu phân tích. Đồng thời, bà Sửu đề nghị bổ sung một khoản (gọi là khoản 3) đối với tổ chức chính quyền ở hải đảo đã được định danh đơn vị hành chính ở khoản 2, Điều 1 của dự thảo luật này, quy định thẩm quyền quyết định là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phù hợp với Tờ trình số 75 ngày 7/2/2025 của Chính phủ.

Tai khoản 1, Điều 8 quy định "Hằng năm, chính quyền địa phương cấp xã có trách nhiệm tổ chức ít nhất 1 lần hội nghị đối thoại với Nhân dân thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc thông qua mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật để trao đổi về tình hình hoạt động của chính quyền địa phương...", bà Sửuđề nghị dự thảo luật nên quy định rõ là "Chủ tịch và các Phó chủ tịch HĐND, UBND…" để tránh trường hợp cấp trưởng ủy quyền cho cấp phó dẫn đến hội nghị đối thoại mang tính hình thức, không đảm bảo thiết thực và chất lượng như mong đợi.

Về cơ cấu tổ chức của HĐND tại khoản 3, Điều 27, bà Nguyễn Thị Sửu đề nghị bổ sung nhiệm vụ của các ban của HĐND ngoài “Thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình HĐND, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực ban phụ trách” còn “Có nhiệm vụ tham gia chuẩn bị các kỳ họp HĐND”; đồng thời nghiên cứu bổ sung thủ trưởng Thi hành án dân sự là chủ thể chịu sự chất vấn của đại biểu HĐND tại khoản 5, Điều 30.

LÊ THỌ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/khoi-thong-nguon-luc-de-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-150838.html
Zalo