Khơi thông dòng vốn, mở lối cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá
Tiếp cận vốn, đặc biệt vốn ưu đãi, là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW. Vấn đề then chốt là làm thế nào để dòng vốn tín dụng thực sự 'thông' đến doanh nghiệp nhỏ, start-up, giúp họ vượt khó.

Khơi thông vốn tín dụng để doanh nghiệp phát triển. Ảnh: LH
Thực trạng khó khăn
Vấn đề tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), công ty khởi nghiệp (start-up) luôn là thách thức lớn. Khó khăn bắt nguồn từ việc vốn đã khó tiếp cận, vay được thì lãi suất cao hơn so với các công ty lớn, thậm chí còn cao hơn các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều trở ngại trong cạnh tranh, phát triển và mở rộng quy mô.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân, các ngân hàng vẫn ưu tiên cho vay các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ thường bị bỏ qua hoặc gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Nghị quyết 68 đã đặt ra nhiệm vụ loại bỏ các rào cản về đất đai, tín dụng, dữ liệu... cho doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn.
Chia sẻ về thực tế, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty nhựa Đức Minh, các doanh nghiệp SME thường rơi vào vòng luẩn quẩn: muốn đầu tư công nghệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, nhưng lại thiếu vốn và chưa có khách hàng ổn định khiến dự án khó có khả năng được ngân hàng đánh giá là khả thi. Thêm nữa, lãi suất vay cao hơn so với các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nước ngoài càng làm tăng gánh nặng tài chính, gây cản trở quá trình đổi mới và phát triển.
Không chỉ khó khăn về vốn, các doanh nghiệp nhỏ còn gặp rào cản lớn về tài sản thế chấp, hồ sơ vay vốn và yêu cầu về doanh thu, lợi nhuận. Điều này khiến nhiều start-up và doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nhất là trong bối cảnh các chương trình hỗ trợ vay theo ngành nghề còn chung chung, thiếu sự phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, chủ thương hiệu cà phê Meet More, cho rằng, để các chính sách cần thiết phải nới lỏng các điều kiện hỗ trợ, kéo dài thời gian vay ưu đãi từ 3 tháng, 6 tháng thành 2-3 năm. Các chương trình vay ưu đãi nên có thời hạn rõ ràng, hỗ trợ dài hơi, nhằm giúp doanh nghiệp có thời gian thực sự để chuyển đổi công nghệ, xây dựng năng lực cạnh tranh bền vững.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết các doanh nghiệp trong hội, phần lớn là nhỏ, vốn ít, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư chuyển đổi xanh, số hóa nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế. Họ mong muốn có nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ của TPHCM và Chính phủ.
Chờ đợi hành động cụ thể từ chính sách
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân đặt ra những mục tiêu rõ ràng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhỏ và start-up tiếp cận vốn. Một trong những nội dung nổi bật của nghị quyết là hướng tới xây dựng thị trường tín dụng minh bạch, cạnh tranh, qua đó mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết nhấn mạnh việc ưu tiên phân bổ nguồn tín dụng thương mại cho các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phù hợp với xu thế toàn cầu về phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất cho các dự án xanh, dự án theo tiêu chuẩn ESG được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn cho dòng vốn chảy vào lĩnh vực này.
Việc hoàn thiện các cơ chế như quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp SME cũng hứa hẹn sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng khi cho vay, từ đó tạo điều kiện dễ dàng hơn cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý hơn.

Nghị quyết 68 được kỳ vọng khơi thông vốn cho doanh nghiệp nhỏ
Các chuyên gia nhận định, đây là một hướng đi mang tính chuyển đổi mạnh mẽ. Nếu được thiết kế phù hợp, các chính sách này sẽ trở thành đòn bẩy thúc đẩy dòng vốn chảy vào hơn 97% doanh nghiệp tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp có thể giúp tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển dài hạn.
Bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Secoin, một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xanh, chia sẻ rằng chính sách tín dụng xanh của Nghị quyết 68 rất thiết thực cho doanh nghiệp như Secoin cũng như cộng đồng doanh nghiệp bền vững. Bà hy vọng các chính sách này cần rõ ràng, cụ thể và dễ tiếp cận hơn để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong quá trình mở rộng hoạt động đầu tư.
Đối với chuyển đổi xanh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) đề xuất Chính phủ và cơ quan quản lý thiết lập các chính sách hỗ trợ hợp lý nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh doanh nghiệp. Cần đặt mục tiêu rõ ràng cho từng ngành, xây dựng chính sách dài hạn để phát triển bền vững. Mục tiêu cụ thể giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và đáp ứng tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị sớm ban hành tiêu chuẩn xanh đồng bộ dựa trên quốc tế hoặc nguyên tắc ESG để tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi.
Chia sẻ từ góc nhìn thực tiễn, ông Nguyễn Ngô Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Nhật Long, cho biết đã từng nhận được hỗ trợ vay vốn từ các chính sách kích cầu và đổi mới sáng tạo. Ông hiểu rõ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp SME, cũng như tầm quan trọng của giảm thủ tục để thúc đẩy đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại, thủ tục thực hiện còn quá phức tạp, kéo dài gần một năm, gây mất cơ hội kinh doanh và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông đề xuất quy trình cần được đơn giản hóa, rút ngắn, nhằm khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn. Hiện lãi suất vay ưu đãi cạnh tranh so với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng thủ tục phức tạp khiến doanh nghiệp e ngại. Ông nhấn mạnh, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, chính quyền địa phương, giới truyền thông và viện nghiên cứu nhằm tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ hiệu quả hơn.
Chặng đường thúc đẩy vốn tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân còn nhiều thử thách nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Nghị quyết 68, cùng các giải pháp hỗ trợ từ tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cộng đồng hướng tới xây dựng hệ sinh thái tài chính minh bạch, lành mạnh, phù hợp xu hướng phát triển bền vững, chuyển đổi số và xanh hóa.
Cần phối hợp chặt chẽ, xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, đơn giản hóa thủ tục, giảm rủi ro để dòng vốn chảy đúng lĩnh vực then chốt, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Khi đó, tín dụng sẽ trở thành đòn bẩy giúp doanh nghiệp nhỏ, start-up, doanh nghiệp xanh và đổi mới sáng tạo phát triển bền vững.