Khơi thông điểm nghẽn giữa cơ quan nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực văn hóa

Ngày 16/12, tại TP.HCM, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học 'Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa'.

Cơ chế, chính sách, sự đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ

Hội thảo khoa học "Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa" có 33 tham luận của các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp, nghệ sĩ, cộng đồng thực hành sáng tạo.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Hợp tác công – tư trong phát triển văn hóa". (Ảnh: Anh Tuấn).

Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Hợp tác công – tư trong phát triển văn hóa". (Ảnh: Anh Tuấn).

Thông qua tham luận, các đại biểu đều nhìn nhận rằng, việc thúc đẩy hợp tác công -tư (public - private partnerships; viết tắt là PPP) sẽ tạo ra những giá trị văn hóa mới, phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sản phẩm văn hóa, đồng thời bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quốc gia.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cơ chế, chính sách và sự đầu tư cho lĩnh vực văn hóa ở nước ta thời gian qua chưa đồng bộ do nguồn lực công còn hạn chế và chưa khai thác hiệu quả khu vực tư nhân.

Từ những vấn đề này, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi tập trung phân tích, đánh giá và đặc biệt là đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn về pháp lý và những điểm nghẽn trong hợp tác PPP về văn hóa…

Ths. Đỗ Quang Minh - Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày tham luận "Hợp tác công - tư trong văn hóa: Kinh nghiệm và các giải pháp cấp địa phương trong bối cảnh Việt Nam". (Ảnh: Anh Tuấn).

Ths. Đỗ Quang Minh - Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày tham luận "Hợp tác công - tư trong văn hóa: Kinh nghiệm và các giải pháp cấp địa phương trong bối cảnh Việt Nam". (Ảnh: Anh Tuấn).

Trình bày trong tham luận, Ths. Đỗ Quang Minh, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất hai giải pháp gỡ những điểm nghẽn trong hợp tác PPP về văn hóa là: Hoàn thiện thể chế, chính sách về hợp tác công - tư trong văn hóa; Tổ chức triển khai hợp tác công - tư trong văn hóa. Các hoạt động này được hiện thực bằng việc xem xét, xây dựng các đề xuất dự án văn hóa để kêu gọi đầu tư phù hợp với thực trạng cơ sở vật chất, mục tiêu chính sách của địa phương, tính chất của hoạt động dịch vụ công.

Cùng với đó là xem xét, xây dựng các đề án hỗ trợ các dự án, hoạt động của các tổ chức văn hóa tư nhân trên địa bàn phù hợp với mục tiêu chính sách và danh mục dịch vụ sự nghiệp công văn hóa của địa phương.

PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long - Đại học quốc tế RMIT Việt Nam trình bày tham luận "Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa: Một số mô hình tham khảo trên thế giới". (Ảnh: Anh Tuấn).

PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long - Đại học quốc tế RMIT Việt Nam trình bày tham luận "Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa: Một số mô hình tham khảo trên thế giới". (Ảnh: Anh Tuấn).

PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long, Đại học quốc tế RMIT Việt Nam cũng có quan điểm tương tự khi nêu ra ba giải pháp thúc đẩy hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa.

Ông Thăng Long cho rằng, nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để xây dựng môi trường đầu tư văn hóa hấp dẫn. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước và huy động sự tham gia của cộng đồng

"Nhà nước cần khuyến khích hay đề xuất đầu tư với các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, vùng, địa phương nhằm đảm bảo lộ trình thực hiện theo chiến lược phát triển của tập đoàn, các hoạt động CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp)...

Ngoài ra, việc hợp tác PPP về văn hóa thường đòi hỏi sự hợp tác giữa nhiều cơ quan nhà nước, bộ ban ngành ở các cấp khác nhau, địa phương khác nhau.

Do đó nhà nước cần phải có các chính sách phân cấp, phân quyền tự quyết các dự án PPP nhằm tránh tình trạng lảng tránh ra quyết định, sợ trách nhiệm, hay bảo vệ lợi ích cục bộ về chính sách nhằm trục lợi quản lý cơ sở văn hóa, từ đó làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án hợp tác PPP trong văn hóa...

Để tạo sự đồng thuận và hợp tác cao với các dự án PPP, nhà nước và nhà đầu tư cần tập trung vào các hoạt động giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của văn hóa và hợp tác công tư trong phát triển văn hóa", PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long nêu.

Hợp tác công - tư trong điện ảnh

Đi sâu vào hoạt động hợp tác công - tư trong lĩnh vực phim ảnh, Ths. Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phim Giải Phóng nêu quan điểm: "Luật Điện ảnh 2022 và Nghị định 131/2022/NĐ-CP đã tạo nền tảng cho các dự án hợp tác công - tư trong điện ảnh.

Những điều khoản như ưu tiên chiếu phim Việt Nam vào khung giờ vàng và chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân đã thể hiện rõ nỗ lực của nhà nước.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn thiếu quy định chi tiết về cơ chế phân chia lợi ích và trách nhiệm giữa hai bên".

Thực tế cho thấy số lượng phim hợp tác công - tư vẫn ít ỏi, so với bối cảnh hội nhập và đa dạng văn hóa như hiện nay.

Lý giải cho thực trạng này, ông Hưng nêu rằng, năm 2015 xuất hiện một số vấn đề thủ tục liên quan tới đấu thầu. Luật Điện ảnh năm 2006 và Nghị định số 54/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh, quy định sản xuất phim đặt hàng phải tuân thủ Luật Đấu thầu.

Thông tư liên tịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài chính hướng dẫn đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước đã được soạn thảo nhưng không thể ban hành vì không tìm được phương án khả thi, phù hợp với thực tế sản xuất phim.

Vì vậy, Bộ Tài chính không bố trí được ngân sách đặt hàng sản xuất phim hàng năm. Cụ thể, từ năm 2015-2017, không có một bộ phim truyện điện ảnh nào do nhà nước đặt hàng được sản xuất.

Cuối năm 2018, Chính phủ mới cho cơ chế tạm thời xếp lại thông tư này nên mới có kinh phí dành cho phim đặt hàng.

Theo ông Hưng, Luật Điện ảnh năm 2022 đã điều chỉnh các điều kiện liên quan về hoạt động sản xuất phim. Tuy nhiên, chưa có các quy định chuyên sâu về cơ chế hợp tác công tư trong sản xuất phim ảnh, dẫn đến việc nhiều dự án phim gặp khó khăn trong công tác triển khai, vận hành và quản lý.

Ths. Nguyễn Tiến Hưng (thứ hai từ trái sang), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phim Giải Phóng tại hội thảo. (Ảnh: Anh Tuấn).

Ths. Nguyễn Tiến Hưng (thứ hai từ trái sang), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phim Giải Phóng tại hội thảo. (Ảnh: Anh Tuấn).

Từ thực trạng trên, ông Nguyễn Tiến Hưng đề xuất các giải pháp hoàn thiện về khung khổ pháp lý, cơ sở tài chính, hệ thống quản lý tài chính về hợp tác công - tư trong lĩnh vực phim ảnh.

"Nhà nước cần hỗ trợ miễn giảm thuế hoặc trợ cấp tài chính cho các dự án hợp tác sản xuất phim lịch sử, chiến tranh cách mạng, các dự án phim thiếu nhi.

Ngoài ra, cần cây dựng quỹ đầu tư phát triển văn hóa công - tư. Tăng cường đào tạo nhân lực quản lý dự án. Xây dựng cơ chế giám sát minh bạch. Đảm bảo quyền lợi giữa các bên.

Ban hành các quy định cụ thể về lợi ích giữa nhà nước, nhà sản xuất, và nhà phát hành để đảm bảo hài hòa lợi ích trong công tác phát hành phim. Thúc đẩy hợp tác trong việc quảng bá phim qua truyền thông, liên hoan phim và các nền tảng số.

Phát triển hạ tầng và kỹ thuật: Đầu tư xây dựng trường quay chất lượng cao tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch.

Hỗ trợ các hãng phim đầu tư thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản xuất.

Đa dạng hóa nội dung và thể loại: Khuyến khích sáng tạo các thể loại mới như phim tài liệu, hoạt hình và khoa học nhằm đa dạng hóa sản phẩm văn hóa. Ưu tiên kinh phí cho các bộ phim khai thác đề tài lịch sử, văn hóa truyền thống, cách mạng", ông Hưng trình bày trong tham luận.

Bạch Dương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khoi-thong-diem-tac-nghen-giua-co-quan-nha-nuoc-va-tu-nhan-trong-linh-vuc-van-hoa-192241216143605407.htm
Zalo