Đẩy mạnh hợp tác công – tư trong phát triển nền văn hóa Việt Nam

Ngày 16/12, tại TP Hồ Chí Minh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học 'Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa'.

Trình bày tham luận tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho biết: "Hợp tác PPP là mô hình kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân để thực hiện các dự án công cộng nhằm chia sẻ lợi ích, trách nhiệm. Nhà nước giữ vai trò quản lý và tạo điều kiện pháp lý, trong khi tư nhân cung cấp vốn và quản lý hiệu quả, hỗ trợ phát triển các dự án.

Để phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững, việc khai thông áp dụng mô hình hợp tác PPP trở thành xu hướng tất yếu, đặc biệt khi nguồn lực từ nhà nước còn hạn chế và cần sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân".

 PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.

Theo TS. Nguyễn Thị Hoài Hương, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, nhìn chung, các dự án văn hóa còn hạn chế, thường gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư tư nhân, do: Khả năng sinh lời thấp, không hấp dẫn các doanh nghiệp. Thiếu các cơ chế chia sẻ rủi ro và hỗ trợ tài chính từ Nhà nước và khung pháp lý chưa đủ mạnh để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên.

Bà Hương dẫn ví dụ điển hình về thách thức này là Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc. Dự án này được phê duyệt từ năm 1994 với diện tích ban đầu 466 ha tại phường An Phú, dọc theo Xa lộ Hà Nội, quận 2 cũ. Tuy nhiên, đến năm 2024, khu vực dự án vẫn là vùng đầm lầy với các ao nuôi cá và nuôi trồng thủy sản…

Còn Thạc sĩ Phạm Bình An, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, hiệu quả mang lại từ hợp tác PPP vừa huy động nguồn lực tài chính, nhân lực, kinh nghiệm quản trị, vừa tạo ra sức mạnh cùng nhau xây dựng chiến lược phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật bền vững. Hội thảo là diễn đàn quan trọng để nhà nghiên cứu, cơ quan thực thi chính sách và các chủ thể là doanh nghiệp, nhà sáng tạo văn hóa trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp có liên quan để tham mưu các chính sách đi vào thực tiễn và góp phần thúc đẩy ngành văn hóa phát triển bền vững.

 Quang cảnh buổi hội thảo.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Tham luận của các chuyên gia, đại biểu tại hội thảo tập trung vào các nhóm vấn đề như: Những vấn đề mang tính lý luận, luận giải về hợp tác công - tư (hợp tác PPP) trong lĩnh vực văn hóa, với những đặc thù riêng, đánh giá về khung khổ pháp lý và hình thức triển khai thực hiện hợp tác PPP ở Việt Nam hiện nay, thực trạng hợp tác PPP đối với từng lĩnh vực văn hóa cụ thể, các giải pháp đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn về khung khổ pháp lý và những điểm nghẽn trong hợp tác PPP về văn hóa…

Trong bối cảnh phát triển hiện nay, hợp tác PPP có thể thực hiện dưới nhiều hình thức, phục vụ các nhu cầu và mục tiêu dự án văn hóa khác nhau từ công trình thiết chế văn hóa công cộng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, cơ sở hạ tầng du lịch văn hóa cho đến hạ tầng văn hóa số, cơ sở hạ tầng công nghiệp sáng tạo.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, việc đầu tư hiệu quả cho văn hóa hiệu quả đòi hỏi nguồn lực lớn và dài hạn trong khi ngân sách Nhà nước và kinh nghiệm trong vận hành còn hạn chế. Do vậy, hợp tác PPP là giải pháp hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển văn hóa.

Việt Trung - Ảnh: Viện VHNT quốc gia Việt Nam

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/day-manh-hop-tac-cong-tu-trong-phat-trien-nen-van-hoa-viet-nam-post325888.html
Zalo