Khối tài sản của Mr Pips Phó Đức Nam ở nước ngoài sẽ được xử lý như thế nào?
Bên cạnh khối tài sản trị giá khoảng 5.200 tỷ đồng đã bị thu giữ, cơ quan chức năng xác định Mr Pips Phó Đức Nam còn đứng tên một số tài sản ở nước ngoài.
Theo báo Tiền Phong, trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam (còn gọi là Mr Pips) cầm đầu, cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa khối tài sản trị giá khoảng 5.200 tỷ đồng của Nam và đồng bọn.
Trong đó, 316 tỷ đồng trong tài khoản; 9 tỷ đồng trái phiếu; 200 tỷ đồng sổ tiết kiệm; 69 tỷ đồng tiền mặt; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe; 59 đồng hồ phiên bản giới hạn trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 7 mô tô hạng sang; 84 trang sức vàng, khảm kim cương; phong tỏa 125 bất động sản.
Bên cạnh các tài sản đã phong tỏa, thu giữ được, cảnh sát cũng xác định trong tài khoản nước ngoài của các đối tượng có 500 nghìn USD và còn nhiều tài sản khác. Một dạng tài sản khác của các đối tượng cũng được công an xác minh là tiền trong các ví điện tử dạng "ví lạnh"...

Số tiền lớn các đối tượng cất giấu. Ảnh: Tiền phong
Theo Ts. luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, các đối tượng sử dụng tiền chiếm đoạt được cất giấu, chuyển hóa thành nhiều loại tài sản khác nhau ở trong nước và tài sản ở nước ngoài, tài sản hữu hình và vô hình, thậm chí là tiền ảo là nhằm mục đích rửa tiền.
"Cơ quan điều tra sẽ truy xuất dòng tiền, tài sản của đối tượng để thu hồi tài sản do phạm tội mà có và các tài sản mang dấu vết của tội phạm", luật sư Cường thông tin.
Luật sư Cường cho biết, tất cả tài sản liên quan đến tội phạm, tài sản phát sinh từ việc thực hiện hành vi phạm tội đều phải được xác định, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế để thu hồi, xác định là vật chứng vụ án hình sự để xử lý vật chứng theo quy định pháp luật.
Về một số tài sản được cơ quan điều tra xác định đang ở nước ngoài của đối tượng Phó Đức Nam, theo luật sư Cường, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ở Việt Nam sẽ liên hệ với nước sở tại để tiến hành xác minh làm rõ nguồn gốc, người đứng tên chủ sở hữu để yêu cầu những người liên quan phải giao nộp, hoặc chuyển giao xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
"Việc giải quyết vụ án hình sự liên quan đến người nước ngoài, tài sản ở nước ngoài sẽ phải tuân thủ luật pháp quốc tế, các hiệp ước, hiệp định tương trợ tư pháp và các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế để giải quyết.
Với các quốc gia chưa có hiệp định tương trợ tư pháp hoặc các hiệp ước quốc tế song phương, đa phương, có thể giải quyết bằng con đường ngoại giao", báo dẫn lời Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết.
Trong khi đó, trường hợp tài sản là bất động sản hoặc những tài sản đặc biệt, không thể thu hồi hoặc do xung đột pháp luật giữa các quốc gia mà chưa có cơ chế pháp lý, theo ông Cường, cơ quan tố tụng sẽ nêu rõ và kết luận trong kết luận điều tra, cáo trạng.
Đặc biệt, với tội phạm công nghệ cao, không thể loại bỏ trường hợp các đối tượng cất giấu tiền chiếm đoạt được dưới dạng tiền ảo. Ở tình huống này, luật sư Cường cho hay, tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu loại tiền ảo đó có thể chuyển hóa thành tài sản, cơ quan điều tra vẫn sẽ xác định đó là các vật chứng, đồng thời thu hồi để chuyển hóa thành tài sản, nhằm giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.