Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới
Với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, huy động nguồn lực thực hiện, đến nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân tại các xã nông thôn mới cũng được nâng lên rõ rệt.
Nông thôn khởi sắc
Sau 4 năm “lỡ hẹn”, ngày 28-11 vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Ia Peng (huyện Phú Thiện) vô cùng phấn khởi, tự hào khi chính thức đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023. Không khí tưng bừng, rộn rã bao trùm các thôn, làng; cờ hoa tung bay phấp phới khắp các ngả đường. Ai cũng vui mừng bởi chương trình xây dựng NTM đã tạo cho xã có bước chuyển mình mạnh mẽ: diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Bà Rô H’Beo-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Sô Ma Hang B-cho hay: Nhằm chung tay cùng chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí NTM, thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Trong đó, đặc biệt chú trọng vận động người dân di dời chuồng trại ra xa nhà ở, làm nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Hiện nay, 100% số hộ chăn nuôi trong thôn đã di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn; 85% hộ có công trình phụ đảm bảo vệ sinh. Người dân hiến hơn 400 m2 đất làm đường giúp tất cả các tuyến đường liên thôn đều đã được bê tông hóa kiên cố, tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Hộ nghèo của thôn cũng giảm còn 7 hộ, chiếm 4,8%.
Vui mừng trước sự đổi thay của thôn, làng từ chương trình xây dựng NTM, ông Siu Mhơi (thôn Sô Ma Rơng)-bộc bạch: “Chương trình xây dựng NTM thực sự đã mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. So với trước đây, thôn đã đổi thay rất nhiều. Thay cho các con đường đất sình lầy là những tuyến đường bê tông thẳng tắp nối tới tận cổng nhà. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên rất nhiều”.
Ông Nguyễn Quyết Thắng-Chủ tịch UBND xã Ia Peng-khẳng định: Trong quá trình xây dựng NTM, xã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ: Đây là chương trình phát triển kinh tế-xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài. Xây dựng NTM phải do người dân làm chủ; huy động nguồn lực theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết”. Việc sử dụng nguồn lực phải được người dân bàn bạc dân chủ, thống nhất, có sự giám sát cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch.
Từ năm 2019 đến nay, xã đã phối hợp với các đơn vị xây dựng, sửa chữa 18 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách với tổng số tiền 949 triệu đồng; vận động Nhân dân 3 thôn đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng 271 nhà vệ sinh, nhà tắm; di dời chuồng trại được 109 hộ; trồng và chăm sóc 4,7 km con đường hoa; bê tông hóa 2 tuyến đường trục xã với chiều dài 4,38 km; xây dựng và nâng cấp 9 tuyến đường nội thôn dài 7,28 km….Đến nay, 100% tuyến đường trục xã, đường nội thôn được bê tông hóa kiên cố; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,9%; 7/7 thôn đạt thôn văn hóa; 90% hộ đạt gia đình văn hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm. Xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,24%.
Tương tự, thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo xã Ia Tôr (huyện Chư Prông) đã khởi sắc rõ rệt. Ông Bùi Xuân Linh-Chủ tịch UBND xã Ia Tôr thông tin: Với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền về lợi ích của chương trình xây dựng NTM, người dân trên địa bàn xã hiểu và từ đó đã tích cực tham gia hưởng ứng bằng nhiều việc làm thiết thực. Kết quả, sau 13 năm thực hiện Chương trình, xã đã huy động được 113,273 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó, ngân sách Trung ương trên 19 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 17,4 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 5,8 tỷ đồng, ngân sách xã trên 2,9 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ trợ 5,12 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 2,9 tỷ đồng.
"Trên cơ sở đó, xã đã bê tông được trên 41km đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình văn hóa và nhiều nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa; 100% đường trục thôn, liên thôn và 79% đường nội thôn, ngõ xóm được bê tông hoặc nhựa hóa; 100% các thôn, làng có nhà văn hóa và sân thể thao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 33 hộ (chiếm 2,75%) cận nghèo còn 63 hộ (chiếm 5,26%). Ngoài ra, 8/8 thôn, làng đạt chuẩn thôn, làng văn hóa"-Chủ tịch UBND xã chia sẻ
Tiếp tục nỗ lực xây dựng NTM
Năm 2024, huyện Phú Thiện phấn đấu có thêm 2 xã và 7 thôn, làng đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có 1 làng hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Theo ông Phạm Văn Quyến-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, xây dựng NTM tại huyện gặp nhiều khó khăn như: Các địa phương có xuất phát điểm thấp; đời sống người dân còn nhiều khó khăn; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Trong khi đó, bộ tiêu chí mới đòi hỏi mức chuẩn cao hơn trước rất nhiều.
BOX:Đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện (gồm TP. Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa), 94 xã và 160 thôn, làng đạt chuẩn NTM, trong đó, có 129 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 12 xã và 57 thôn, làng đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021-2025 có thêm 7 huyện đạt chuẩn NTM. Hiện các địa phương và cơ quan ban ngành liên quan đang khẩn trương thực hiện các tiêu chí nhằm đạt kế hoạch đề ra.
“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc xây dựng NTM. Đồng thời tập trung nguồn lực cho mục tiêu xây dựng NTM; trong đó, lồng ghép có hiệu quả nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia, huy động tối đa nguồn lực hợp pháp ngoài ngân sách để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Huyện cũng mong các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí cũng như có cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho những xã, các làng đặc biệt khó khăn, tạo động lực để các địa phương phấn đấu vươn lên, hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM”-ông Quyến chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông thông tin: Năm 2024, huyện phấn đấu có 1 xã (xã Ia Piơr) và 5 thôn, làng đạt chuẩn NTM. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư thuộc Chương trình xây dựng NTM trong năm là 56,688 tỷ đồng, huyện cũng lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia và huy động thêm từ sự đóng góp của doanh nghiệp và cán bộ, Nhân dân trên địa bàn để triển khai thực hiện. Dự kiến cuối năm 2024, xã Ia Piơr và 3/5 thôn, làng sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí; 2 thôn, làng còn lại khó đạt do công tác tuyên truyền, vận động chưa kịp thời dẫn đến tiến độ triển khai một số tiêu chí còn chậm.
"Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí trong cấp ủy, cán bộ chuyên môn, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể xã phụ trách chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đối với từng tiêu chí cụ thể. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả, trong đó, chú trọng chỉ đạo cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của người dân trong tham gia xây dựng NTM…”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông khẳng định.