Khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số
Hàm Thuận Bắc là huyện miền núi có 15 dân tộc, trong đó có 14 dân tộc thiểu số (DTTS), với 17.158 người/4.284 hộ, chiếm 9,1% dân số, trong đó chủ yếu là đồng bào K'ho, Chăm và Raglay, còn lại là các dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc của huyện...
Ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được lãnh đạo huyện quan tâm. Theo đó, định kỳ 2 năm/lần huyện đều duy trì Ngày hội Văn hóa - Thể thao các DTTS toàn huyện; các lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, Lễ hội Katê, Ramưwan, Chabul, cúng cầu an… đều được duy trì với những cấp độ khác nhau, tạo nên những nét đặc sắc của vùng đồng bào DTTS huyện nhà. Gần đây các loại hình dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc… gắn với phục dựng các làn điệu dân ca, các điệu múa như “Lý vãi Chài”, “Aryn” của đồng bào Chăm, hát ngâm “Hari” của đồng bào Raglay được khôi phục. Bên cạnh đó, các sản phẩm ẩm thực truyền thống, đặc sắc của đồng bào như cơm lam nấu ống tre, canh bồi, lá bép, đọt mây, heo đen, gà nướng, rượu cần, bánh gừng… được duy trì và ngày càng phát triển, khách tham quan, du lịch rất ưa chuộng và muốn khám phá, thưởng thức.
Tuy nhiên một điều phải nhìn nhận rằng, những năm gần đây, ở các xã vùng cao như: Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ, các loại hình dân ca, âm nhạc truyền thống nhạc của đồng bào Raglay và K’ho dần bị quên lãng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do điều kiện sống, phương thức sản xuất có nhiều thay đổi, quá trình tiếp xúc, giao lưu, hòa nhập… Cộng thêm thiếu sự quan tâm đúng mức trong việc gìn giữ, trao truyền nghệ thuật trình diễn dân gian giữa các thế hệ nghệ nhân đi trước cho thế hệ sau, cho nên nhiều loại nhạc cụ âm nhạc, dân ca văn hóa của đồng bào nơi đây mai một dần.
Trước tình hình đó, mới đây ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc vừa chỉ đạo huyện tập trung dồn sức khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tập quán ẩm thực của đồng bào DTTS ở 3 xã Đông Tiến, Đông Giang và La Dạ. Qua đó tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển du lịch để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Theo đó, 3 xã Đông Tiến, Đông Giang và La Dạ tập trung rà soát, khôi phục, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa văn nghệ của đồng bào DTTS đã và đang dần mai một, có nguy cơ thất truyền như chữ viết, trang phục, nhà rông, nông cụ, nhạc cụ truyền thống của đồng bào K’ho… khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi, nhằm tạo sản phẩm phục vụ khách tham quan, du lịch và tăng thêm thu nhập cho đồng bào.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác, trách nhiệm của cộng đồng và người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, chú trọng việc giáo dục con em đồng bào DTTS về đạo đức, lối sống, văn hóa giao tiếp, ứng xử trong từng thôn, bản, gia đình. Chủ động rà soát, tập hợp các nghệ nhân để truyền dạy văn hóa truyền thống, văn hóa văn nghệ trong cộng đồng, không để bị thất truyền. Quản lý chặt chẽ các loại nhạc cụ truyền thống, không để bị thất lạc. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2023, quy hoạch chung xây dựng xã và các quy hoạch có liên quan, đề xuất đầu tư xây dựng nhà rông để làm nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng và phục vụ du khách đến tham quan của mỗi địa phương.
Lãnh đạo huyện Hàm Thuận Bắc giao UBND xã Đông Giang rà soát quỹ đất và các quy hoạch có liên quan để đề xuất xây dựng nhà rông của xã trong năm 2025. Phòng Văn hóa và Thông tin sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND huyện xây dựng Đề án về giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa văn nghệ trong cộng đồng đồng bào các DTTS trong huyện. Ngoài ra, thời gian tới Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành khảo sát, rà soát, tìm kiếm nguồn nhân lực để truyền dạy, bảo tồn chữ viết của dân tộc K’ho. Riêng Phòng Tài chính - Kế hoạch chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các quy hoạch, rà soát quỹ đất và thống nhất tham mưu đề xuất đưa danh mục xây dựng mới nhà rông ở các xã DTTS vùng cao vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030.