Khối ngoại bán ròng không phải là hiện tượng tiêu cực

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua chuỗi bán ròng mạnh của khối ngoại. Diễn biến điểm số cũng khiến nhà đầu tư băn khoăn về triển vọng những tháng cuối năm. Các nhà quản lý cho rằng khối ngoại điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư là 'việc bình thường', bệ đỡ quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, nhà quản lý việc các quỹ ngoại thay đổi khẩu vị rủi ro, điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư là chuyện bình thường.

Theo các chuyên gia, nhà quản lý việc các quỹ ngoại thay đổi khẩu vị rủi ro, điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư là chuyện bình thường.

Chuỗi bán ròng kỷ lục

Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch giằng co, nỗ lực kéo chỉ số của bên mua trong 2 phiên đầu tuần chưa thành công khi nhà đầu tư vẫn rất thận trọng trước ngưỡng cản mạnh 1.290-1.300 điểm. Xu hướng điều chỉnh diễn ra đến hết tuần, VN-Index dừng ở mốc 1.280,75 điểm.

Chỉ số VN-Index giảm liên tiếp 3 phiên gần nhất với khối lượng giao dịch sụt giảm và duy trì dưới mức trung bình 20 ngày. Điều này cho thấy, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư ngày càng gia tăng. Ngoài ra, việc khối ngoại duy trì bán ròng khiến tình hình của chỉ số chuyển biến tiêu cực hơn.

Nhà đầu tư ngoại có tuần giao dịch sôi động nhưng tiếp tục đẩy mạnh bán ròng với giá trị lên tới gần 4.500 tỉ đồng, gấp đôi tuần trước.

Thống kê trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 4 phiên và chỉ mua ròng nhỏ giọt phiên duy nhất ngày 11.7. Tổng cộng, khối này đã bán ròng 80,37 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt xấp xỉ 4.501 tỉ đồng, tăng 29,57% về lượng và 94,96% về giá trị so với tuần trước.

Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 3 phiên và bán ròng 2 phiên. Tổng cộng trong tuần, khối này đã mua ròng 1,36 triệu đơn vị, giảm 38% so với tuần trước; tổng giá trị là bán ròng 4,68 tỉ đồng, trong khi tuần trước đó mua ròng 98,77 tỉ đồng.

Như vậy, tuần qua giao dịch từ ngày 8-12.7 trên toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng 80,29 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 4.480,89 tỉ đồng, tăng 32,56% về lượng và hơn 107% về giá trị so với tuần trước đó (từ ngày 1-5.7 bán ròng 2.163,86 tỉ đồng).

Ghi nhận trên HOSE, động thái bán ra của các nhà đầu tư ngoại ghi nhận liên tục trong một năm qua, duy nhất tháng 1/2024 họ mua vào. Tổng quy mô khối ngoại rút trên HoSE gần 65.000 tỷ đồng, riêng từ đầu năm đến nay là 46.000 tỷ (tương đương 1,6 tỷ USD).

Bệ đỡ quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là tính ổn định vĩ mô

Theo nhận định của các chuyên gia, dòng vốn ngoại dịch chuyển còn do chênh lệch hiệu suất hoạt động giữa các thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hai tổ chức là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi. Nếu xét về mức tăng của chỉ số chứng khoán, những thị trường cận biên và mới nổi có hiệu suất thấp hơn so với khu vực phát triển, chưa tính tới thay đổi tỷ giá.

Theo Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS), không chỉ Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có động thái rút vốn ở nhiều thị trường chứng khoán khác trong khu vực Đông Nam Á. Tính từ đầu năm, khối ngoại rút ròng hơn 3,2 tỷ USD trên thị trường Thái Lan, Philippines trên 500 triệu USD, còn Indonesia khoảng 400 triệu USD. Trong khi các thị trường có hiệu suất tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là nơi ghi nhận dòng tiền đầu tư nước ngoài dương.

Lý giải nguyên nhân của chuỗi bán ròng này, các chuyên gia Maybank Investment Bank (MSVN) cho rằng, xu hướng này nằm trong bối cảnh dòng tiền toàn cầu rút khỏi các thị trường mới nổi do tăng trưởng vượt trội của kinh tế Mỹ, làn sóng đổ xô vào cổ phiếu công nghệ theo sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), các rủi ro địa chính trị toàn cầu và việc các quỹ ETF tập trung vào Việt Nam bị rút ròng mạnh.

Tuy nhiên, MSVN kỳ vọng dòng tiền bán ròng của khối ngoại sẽ dần giảm bớt trong những tháng tới và sẽ mua ròng trở lại từ nửa cuối năm 2024 nhờ vào tăng trưởng vượt trội của kinh tế Mỹ và việc các quỹ ETF tập trung vào Việt Nam giảm bớt áp lực hút ròng.

“Dòng tiền rút ròng mạnh ở các quỹ ETF sẽ giảm bớt trong thời gian tới, và kỳ vọng mức Chủ nghĩa ngoại lệ của kinh tế Mỹ sẽ phai nhạt nếu Fed thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên, khả năng cao vào giữa nửa cuối năm 2024, giúp thu hút dòng tiền trở lại các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam”- MSVN dự đoán.

MSVN duy trì dự báo rằng FTSE sẽ nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi vào tháng 3/2025 hoặc tháng 9/2025 nhờ những tiến triển trong việc loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding), điều này cũng sẽ giúp dòng tiền mua ròng của khối ngoại trở lại Việt Nam.

Cùng chung nhận định, chuyên gia VinaCapital nhận thấy một số yếu tố trong thời gian tới có thể thu hút họ quay trở lại gồm: Kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn kỳ vọng; Nhiều dự báo cho thấy Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong thời gian tới; và thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt được mục tiêu nâng hạng sắp tới. Từ những yếu tố đó, VinaCapital kỳ vọng những áp lực bán ròng của khối ngoại sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới.

Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Bùi Hoàng Hải cho rằng, chuyện bán ròng, rút vốn chưa phải hiện tượng tiêu cực. Nhà đầu tư ngoài trên thị trường Việt Nam hiện sở hữu danh mục đầu tư khoảng 46-49 tỷ USD, chiếm trên 16% tổng vốn hóa thị trường. Việt Nam là thị trường có hạn chế về đầu tư nước ngoài nhưng tổng sở hữu của khối ngoại vẫn ở nhóm cao nhất Đông Nam Á.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho rằng, đâu đó có chuyện quỹ này quỹ kia của nước ngoài thay đổi khẩu vị rủi ro do cách quản trị của họ. Theo ông Chi, bệ đỡ quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế. Nhìn ra kinh tế khu vực và toàn cầu với những biến động thời gian qua thì kinh tế Việt Nam vẫn giữ ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô. Vì vậy, không có cơ sở nào khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có rủi ro cao. Còn việc các quỹ ngoại thay đổi khẩu vị rủi ro, điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư là chuyện bình thường.

Hà An

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khoi-ngoai-ban-rong-khong-phai-la-hien-tuong-tieu-cuc-153515.html
Zalo