Khởi nghiệp xanh: Cơ hội và thách thức cho các startup
10 startup xuất sắc có cơ hội giới thiệu mô hình kinh doanh và sản phẩm trước hơn 100 nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức để tìm kiếm cơ hội phát triển.
Sự kiện Demo Day - Sân khấu của 10+ startup đổi mới sáng tạo, kiến tạo nền kinh tế xanh và tuần hoàn diễn ra tại TP.HCM vào chiều 4/4, khép lại chuỗi hoạt động chính thức của chương trình Zero Waste tại Việt Nam.
Nhiều startup triển vọng
Nổi bật với chất lượng cao, khả năng phân hủy sinh học và có giá thành cạnh tranh so với pallet nhựa hoặc gỗ trên thị trường, NetZero Pallet đang được đánh giá là sản phẩm có tiềm năng rất lớn.
NetZero Pallet được làm từ phế phẩm nông nghiệp như vỏ dừa, vỏ cà phê bỏ đi để ép thành những tấm pallet thay thế cho vật liệu gỗ. Hiện đơn vị này có nhà máy ở Bình Dương với công suất 15.000 pallet mỗi tháng, phục vụ phần lớn cho các doanh nghiệp FDI.
Chị Lê Thị Mỹ Hạnh, Quản lý Truyền thông và Marketing của NetZero Pallet cho biết, đơn vị luôn hướng tới phát triển bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, mỗi năm có đến hàng trăm triệu tấn phế phẩm nông nghiệp. Có được nguồn nguyên liệu dồi dào này cũng chính là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khi đi ra thị trường quôc tế.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh - CEO Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP - chia sẻ tại sự kiện.
Cũng là từ phế phẩm nông nghiệp, Công ty Cổ phần nghiên cứu sản xuất và phát triển sợi Eco (ECOSOI) mang đến các sản phẩm vải từ lá dứa. Việc sử dụng lá dứa để làm nguyên liệu đầu vào trong một quy trình sản xuất giúp giảm phát thải ra môi trường một lượng CO2 rất lớn. Trung bình mỗi tấn sản xuất sơ vải góp phần giảm khoảng 17 tấn sơ khai phát thải ra môi trường.
“Mô hình kinh doanh của chúng tôi là chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân và bao tiêu lại sơ sợi. Sau đó chúng tôi chế biến sâu hơn và đưa sản phẩm này ra thị trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng có nhà máy để chủ động trong việc sản xuất, song song một mô hình sản xuất tập trung và một mô hình phân tán chuyển giao cho bà con nông dân”, bà Vũ Thị Liễu, Founder và CEO Công ty Cổ phần nghiên cứu sản xuất và phát triển sợi Eco (ECOSOI), cho biết.
Phát biểu tại sự kiện Demo Day, bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP, chia sẻ, dù chỉ diễn ra trong 3 tháng nhưng chương trình thực hiện được rất nhiều những hoạt động, đưa đến nhiều chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực để giải quyết đúng từng vấn đề mà các startup gặp phải. Qua đó, tạo ra những kết nối cần thiết để giúp các startup có bệ phóng tốt trong hành trình sắp tới.
Sau chương trình, các startup sẽ tiếp tục được hỗ trợ, kết nối với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, đưa các doanh nghiệp trẻ này vào lộ trình phát triển tăng tốc của thành phố.
Còn nhiều thách thức
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện này, bắt đầu từ bất cứ lĩnh vực nào cũng đều có những khó khăn đối với các startup. Một trong những khó khăn nhất đó là việc huy động vốn do nhà đầu tư thoái lui, các doanh nghiệp thì còn quá trẻ để khẳng định uy tín của mình.
Công ty TNHH Wesolife ã tìm ra giải pháp khử trùng bền vững bằng công nghệ điện hóa, không dùng hóa chất, mở ra nhiều triển vọng với ngành nuôi trồng thủy sản.

Các startup ký kết hợp tác tại sự kiện.
Quá trình nghiên cứu và phát triển đã gần 3 năm, hiện thiết bị khử trùng bền vững được ứng dụng trong việc nuôi trồng thủy sản sản ở Cà Mau, Thanh Hóa và Trà Vinh. Doanh nghiệp mong muốn sản phẩm sẽ được nhân rộng hơn trong thời gian tới, thậm chí là vươn là thị trường nước ngoài nhưng còn bị giới hạn bởi nguồn vốn.
“Demo Day là cơ hội tốt để chúng tôi gặp gỡ các nhà đầu tư đến từ trong nước và nước ngoài. Chúng tôi cố gắng trình bày những điểm nổi bật của dự án và của doanh nghiệp, mong muốn tìm kiếm những nhà đầu tư dài hạn. Điều cuối cùng chúng tôi muốn hướng tới là tất cả bà con nông dân có thể làm việc trong môi trường xanh, sạch, không chất độc hại và mang lại hiệu quả cao”, ông Huỳnh Công Tấn, Nhà sáng lập và điều hành Công ty TNHH Wesolife, cho biết.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp TP.HCM có những chia sẻ về khó khăn mà các startup thường gặp, bên cạnh khó khăn trong gọi vốn đầu tư, các doanh nghiệp trẻ vẫn chưa đủ vững vàng để đối mặt với các rủi ro và thiết lập mạng lưới các mối quan hệ. Đôi khi chính sự lo sợ rủi ro khiến các startup đánh mất nhiều cơ hội lớn.
Quản lý Triển khai chương trình Go Circular tại Việt Nam, bà Mira Nagy đánh giá, Việt Nam là quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp đáng chú ý. Có nhiều nhà sáng lập với những ý tưởng thiết thực và có tiềm năng lớn trong tương lai.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ các startup mà chúng tôi đang làm việc cùng tiếp cận với các khoản đầu tư tác động. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, kết nối các bên liên quan, và tổ chức các khóa đào tạo cho các nhóm này. Đây sẽ là nhiệm vụ tiếp theo của chúng tôi”, bà Mira Nagy nói.
Từ 120 đơn đăng ký từ các dự án kinh tế tuần hoàn giảm rác thải đang hoạt động tại Việt Nam, 10 giải pháp được lựa chọn, đến từ 7 tỉnh, thành phố, trong đó 5 dự án do phụ nữ sáng lập, với tổng 16 buổi hội thảo chuyên sâu được tổ chức.
Chương trình và các câu chuyện truyền cảm hứng đã tiếp cận hơn 400.000 người trên các nền tảng mạng xã hội.
Sự kiện Demo Day đánh dấu sân khấu đặc biệt, thể hiện những gì các startup đã học hỏi và đạt được trong suốt chương trình, đồng thời thúc đẩy cơ hội kết nối với các đối tác tiềm năng để đưa các giải pháp bền vững ra toàn cầu.