Xây dựng hạ tầng AI trong nước để góp phần bảo đảm chủ quyền số

Theo chuyên gia Đại học RMIT, việc xây dựng hạ tầng AI trong nước và tăng cường năng lực điện toán đám mây sẽ góp phần củng cố hệ sinh thái AI tại Việt Nam, giảm sự phụ thuộc nền tảng nước ngoài và bảo đảm chủ quyền số.

AI tiếp tục là tâm điểm chú ý trong năm 2025

Việt Nam đã xác định trí tuệ nhân tạo - AI là công nghệ nền tảng sẽ góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững. Chiến lược quốc gia về AI đã đặt mục tiêu đưa đất nước nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc áp dụng AI nhanh chóng cũng kéo theo nhiều thách thức, bao gồm các vấn đề từ quản trị đạo đức, lỗ hổng pháp lý đến rủi ro với sự ổn định xã hội và quyền con người. Giải quyết những vấn đề này đòi hỏi các giải pháp chủ động để đảm bảo phát triển và ứng dụng AI vừa có trách nhiệm vừa bền vững.

Chuyên gia Cisco cho rằng, trong năm 2025, AI tiếp tục là tâm điểm chú ý nhưng vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức thực tế. Ảnh minh họa: Internet

Chuyên gia Cisco cho rằng, trong năm 2025, AI tiếp tục là tâm điểm chú ý nhưng vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức thực tế. Ảnh minh họa: Internet

Đưa ra dự báo xu hướng ứng dụng công nghệ năm 2025 tại Việt Nam, ông Nguyễn Như Dũng, Giám đốc điều hành Cisco Việt Nam, Lào và Campuchia nhận định: AI tiếp tục là tâm điểm chú ý nhưng vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức thực tế. Khi AI trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn, việc thiết lập các quy tắc bảo vệ và quản trị dữ liệu sẽ trở thành lĩnh vực trọng tâm.

Trong bối cảnh AI ngày càng phát triển, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy, giảng viên cấp cao về AI tại Khoa Khoa học, kỹ thuật và công nghệ của Đại học RMIT Việt Nam khuyến nghị rằng: Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, cần tập trung chiến lược vào phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giải quyết những thách thức xã hội.

"Việc xây dựng lực lượng lao động có trình độ về AI, đầu tư vào nghiên cứu AI, thu hút nhân tài quốc tế và triển khai các chương trình nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động hiện tại là những bước đi cần thiết trong kỷ nguyên AI”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.

Khuyến nghị hướng phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam

Đề xuất hướng tiếp cận AI từ góc độ đạo đức và pháp lý, Tiến sĩ James Kang, giảng viên cấp cao Đại học RMIT Việt Nam cho rằng: Việt Nam có thể củng cố hướng phát triển AI bằng cách tiếp tục những nỗ lực hiện có và đồng thời giải quyết các thách thức chính. Bằng cách học hỏi từ những mô hình toàn cầu và điều chỉnh phù hợp với điều kiện trong nước, Việt Nam có cơ hội dẫn đầu trong việc tích hợp AI có trách nhiệm.

Tiến sĩ James Kang phân tích: Việt Nam đã bước đầu tích hợp giáo dục AI vào chương trình đào tạo với các cơ sở giáo dục cung cấp những chương trình chuyên sâu về lĩnh vực. Việc mở rộng nỗ lực này bằng những chính sách hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo và triển khai các khóa học trực tuyến dễ tiếp cận sẽ đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Theo chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc tích hợp giáo dục AI vào chương trình đào tạo với các cơ sở giáo dục cung cấp những chương trình chuyên sâu về lĩnh vực. Ảnh minh họa: H.T

Theo chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc tích hợp giáo dục AI vào chương trình đào tạo với các cơ sở giáo dục cung cấp những chương trình chuyên sâu về lĩnh vực. Ảnh minh họa: H.T

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyên gia Đại học RMIT đề xuất Việt Nam nên hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp bằng những khoản tài trợ nghiên cứu và thành lập các vườn ươm công nghệ. Hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế nên ưu tiên yếu tố minh bạch và đạo đức trong việc phát triển và ứng dụng AI.

“Một khung pháp lý vững chắc là điều cần thiết để bảo vệ quyền lợi, duy trì niềm tin xã hội và cân bằng giữa đổi mới công nghệ và trách nhiệm giải trình”, Tiến sĩ James Kang nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia RMIT Việt Nam, tối ưu hóa việc sử dụng AI mã nguồn mở sẽ giúp phát triển công nghệ với chi phí hợp lý. Cùng với đó, việc xây dựng hạ tầng AI trong nước và tăng cường năng lực điện toán đám mây sẽ góp phần củng cố hệ sinh thái AI tại Việt Nam, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nền tảng nước ngoài và bảo đảm chủ quyền số.

Các quy định pháp luật Việt Nam cần phát triển để theo kịp những thách thức đặc thù mà AI mang lại, chẳng hạn như trách nhiệm pháp lý với các quyết định tự động, quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm do AI tạo ra, hay trách nhiệm giải trình trong các trường hợp AI gây ra hậu quả phi đạo đức.

Tham khảo các khuôn khổ như Đạo luật AI của Liên minh châu Âu hay mô hình quản trị AI của Singapore, Việt Nam có thể áp dụng những giải pháp phù hợp, đảm bảo triển khai AI có đạo đức, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội riêng của đất nước.

“Bằng cách chủ động giải quyết các thách thức pháp lý và đạo đức, Việt Nam có thể có được chiến lược phát triển AI cân bằng, vừa thúc đẩy đổi mới, vừa đảm bảo công bằng, toàn diện và an toàn dữ liệu”, Tiến sĩ James Kang nêu quan điểm.

Hai trong hơn 20 nhiệm vụ trọng tâm sẽ được Bộ KH&CN tập trung thực hiện trong năm 2025 là xây dựng chương trình chuyển đổi AI quốc gia và xây dựng hạ tầng tính toán AI dùng chung. Trong đó, yêu cầu đặt ra với Chương trình chuyển đổi AI quốc gia là phải "toàn dân, toàn diện", và một ứng dụng nổi bật của chương trình này là mỗi người dân Việt Nam có 1 trợ lý ảo Việt Nam.

Vân Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xay-dung-ha-tang-ai-trong-nuoc-de-gop-phan-bao-dam-chu-quyen-so-2388260.html
Zalo